Giai đoạn 2016 – 2020, thị trường bất động sản đã không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như: Phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng ngay trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19 vừa qua, chỉ giảm phát ở một số phân khúc thị trường nhà ở và có xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời chờ năm 2021.
Thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, tác động tiêu cực. Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan đã tập trung xây dựng cơ bản đầy đủ và đồng bộ hệ thống hệ thống thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến thị trường bất động sản đáp ứng được yêu cầu quản lý và điều tiết diễn biến bất động sản, đồng thời phối hợp các địa phương theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các biến động của thị trường cũng như kịp thời đề xuất, thực hiện các giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc cho thị trường khi cần thiết.
Liên quan đến công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản thời gian qua, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, công tác phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị.
Theo đó, thị trường bất động sản ngày càng phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng dự án, quy mô dự án và chất lượng dự án, cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong thời gian qua, nguồn cung khá hạn chế do hàng loạt dự án phải rà lại theo đúng quy định của pháp luật, dẫn đến bị đình trệ, chậm tiến độ ra hàng, cùng với tác động của dịch bệnh khiến nguồn cung càng nhỏ giọt, thị trường sụt giảm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá, trong bối cảnh Covid-19, kinh tế khó khăn nhưng giá nhà không giảm là do cung giảm trong khi nhu cầu nhà ở vẫn thường trực. Bên cạnh đó, nhà ở thực chất là một phân khúc của thị trường bất động sản, trong nhiều kênh thì đây vẫn là kênh đầu tư tốt mở ra nhiều cơ hội.
Thị trường bán lẻ lấy lại phong độ
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Phó Giám đốc CBRE Việt Nam, nhìn lại năm 2020, lĩnh vực bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tổng doanh thu và tiêu dùng dịch vụ của Việt Nam trong năm 2020 chỉ khoảng 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,8% trong năm 2019.
Bất động sản bán lẻ cũng chứng kiến một số tác động đáng kể trong năm đại dịch bùng phát. Tại Hà Nội, mặt bằng bán lẻ có tỷ lệ trống tăng ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm. Tại khu vực trung tâm, tỷ lệ trống tăng 12,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 14,3%, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Tỷ lệ trống ở khu vực ngoài trung tâm tăng 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, lên 12,3%. Hầu hết khách thuê đều phải trải qua những thử thách trong thời gian khó khăn này, trong đó nhóm khách thuê chịu nhiều thiệt hại nhất đến mức phải đóng cửa thường là các cửa hàng thời trang, phụ kiện và ăn uống đặt tại tầng cao trong khu vực trung tâm.
Tốc độ tăng này thấp hơn so với hai năm trước do có một số dự án không đi vào hoạt động như kế hoạch. Giá chào thuê trung bình (tầng một và tầng trệt, không bao gồm VAT và phí dịch vụ) ở khu vực trung tâm tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 107,7 USD/m2/tháng do một số mặt bằng bán lẻ tại vị trí đắc địa chào thuê ở mặt bằng giá cao hơn, sau khi được nâng cấp lại. Mặt khác, giá chào thuê tại khu vực ngoài trung tâm ghi nhận mức tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24,5 USD/m2/tháng.