Từ đó đến nay, Phú Quốc đã trải qua nhiều đợt sốt đất. Cùng với thông tin quy hoạch phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế từ cuối năm 2017 đã khiến chủ đất và các nhà đầu tư liên tục đẩy giá bất động sản Phú Quốc lên cao.
Sau một thời gian dài chìm trong những cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư và môi giới ở Phú Quốc giàu lên nhờ đất nhưng cũng không ít người “thua cuộc” ở hòn đảo Ngọc.
Chuyện sốt của vài năm trước
Từ cuối 2014, đầu năm 2015, thị trường đất Phú Quốc dần trở nên nhộn nhịp nhờ sự có mặt của các nhà đầu tư lớn như Vingroup với dự án Vinpearl Phú Quốc và đến năm 2016 là Sun Group.
Từ đó đến nay, Phú Quốc đã trải qua nhiều đợt sốt đất. Cùng với thông tin quy hoạch phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế từ cuối năm 2017 đã khiến chủ đất và các nhà đầu tư liên tục đẩy giá bất động sản Phú Quốc lên cao.
Giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 3/2018, giá đất tại Phú Quốc đã bị đẩy cao gấp 5 – 7 lần giá trị thực. Trong khi đó, những lô đất có giá trị kinh tế để đầu tư, kinh doanh lâu dài lại chiếm tỷ lệ dưới 5%. Bên cạnh đó, các quỹ đất quy mô lớn đều đã nằm trong tay các chủ đầu tư nên khó có thể tạo “sóng” mới cho địa bàn.
Khi bong bóng bất động sản tại Phú Quốc vỡ vào cuối năm 2018, thị trường này đã diễn ra một cuộc thanh lọc mạnh mẽ những nhà đầu tư năng lực yếu, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Trước đây có nhiều doanh nghiệp nhỏ ra Phú Quốc gom đất, sau đó phân lô bán lại với giá cao so với giá trị thật cho người đầu tư khiến thị trường phát triển kém lành mạnh.
Chỉ đến giữa tháng 5/2018, khi chính quyền địa phương nhận thấy hiện tượng tự ý phân lô, tách thừa trên đất nông nghiệp nhằm trục lợi của giới đầu nậu, UBND tỉnh Kiến Giang mới có công văn yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc, yêu cầu tạm dừng việc cấp phép hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đến tháng 3/2020, Tỉnh ủy Kiên Giang có thông báo về việc chấp thuận chủ trương chấm dứt tạm dừng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc sau 2 năm tạm ngưng. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2020, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục có công văn chỉ đạo tạm dừng phân lô, tách thửa các loại đất trên địa bàn huyện để chờ điều chỉnh quy hoạch.
Giữa năm 2018, với đa số tán thành, Quốc hội đồng ý lùi thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Quyết định này “mở màn” cho sự thoái trào của bất động sản Phú Quốc thời gian sau đó.
Hàng loạt nhà đầu tư nhỏ lẻ cắt lỗ, tháo chạy khỏi thị trường. Trước đó, thông tin lên đặc khu đã khiến giá đất Phú Quốc liên tục nhảy múa. Đất công và các loại đất thuộc quy hoạch không phải là đất ở, đất thương mại dịch vụ, giá tăng gấp rưỡi, gấp đôi theo ngày, theo tuần.
Khi cơn sốt hạ nhiệt, giá bán những loại đất này lao dốc không phanh. Giá giảm mạnh nhưng thị trường không có giao dịch. Thậm chí, phân khúc đất rừng, đất ruộng sang tay, không có sổ đóng băng hoàn toàn.
Thành Phố Phú Quốc hôm nay
Thành phố Phú Quốc đã được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Phú Quốc.
Thông tin này được kỳ vọng sẽ là cú huých làm “sống” lại thị trường Phú Quốc – từng sốt nóng bỏng tay nhưng đã rơi vào cảnh trầm lắng suốt 3 năm qua.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, sau thông tin tích cực trên, thị trường Phú Quốc chưa có hiện tượng “nóng sốt” như nhiều năm trước. Giao dịch khởi sắc nhưng chỉ tập trung ở một số nơi pháp lý, quy hoạch rõ ràng và cộng đồng dân cư đã hiện hữu như khu dân cư 67,5 ha, 10 ha, khu dân cư Suối Lớn… và một số khu vực gần thị trấn Dương Đông.
Giao dịch tập trung ở phân khúc đất nền dưới 2 tỷ. Trong khi đó, những công đất lớn thuộc Gành Dầu, Hàm Ninh, Cửa Dương… là đất nông lâm nghiệp trong cơn sốt có giá bán lên tới chục tỉ thì đến nay vẫn nằm im bất động.
Từ trước đến nay, nhà đầu tư mua bất động sản tại Phú Quốc chủ yếu với mục đích chờ giá tăng để bán kiếm lời chứ chưa chú ý vào giá trị sử dụng. Do đó, các nhà đầu tư nên chú trọng vào mục đích sử dụng của bất động sản, có thể là để sở hữu hoặc cho thuê. Việc khai thác, kinh doanh trên đất rất quan trọng bởi nó sẽ hạn chế được rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thị trường không tốt, không thể thoát hàng kịp thời.
Ngoại trừ bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có giao dịch tốt, thị trường chững lại ở nhiều phân khúc như đất công, đất có diện tích lớn và đất nền, đất phân lô. Đặc biệt là đất nền Phú Quốc đang trong tình trạng “bội thực” vì nguồn cung quá nhiều mà nhu cầu thực lại quá ít.
Mặt khác, sự phân lô tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ đã đặt ra một thách thức lớn cho công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm này. Đơn cử như việc phân lô trên diện tích đất không phù hợp quy hoạch, đường giao thông nhỏ (3m – 5m) gây khó khăn cho dân cư, không có hệ thống cấp thoát nước, điện lưới và phòng cháy chữa cháy.