Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT chủ trì cuộc họp về hạ tầng giao thông kết nối vùng TP. HCM để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc tại các dự án.
Mặc dù có vị trí, tiềm năng lợi thế rất lớn, nhưng trong thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ và chậm cải thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; thiếu sự liên kết vùng, chất lượng phát triển đô thị còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT sớm thu xếp tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành địa phương liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo việc cân đối nguồn vốn để thực hiện các dự án.
Được biết, UBND TP. HCM mới đây cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020 – 2030.
Theo đó, thành phố đề ra các giải pháp mang tính đột phá và xây dựng lộ trình phù hợp nhằm triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, từ đó giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo cảnh quan môi trường đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân của thành phố và phải gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Về kinh phí thực hiện đề án từ ngân sách nhà nước dự kiến đầu tư các dự án chuyển tiếp thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và các dự án trọng điểm, cấp bách ngành giao thông vận tải.
Các nguồn vốn khác (vốn đầu tư từ Trung ương, vốn vay ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, vốn doanh nghiệp…) dự kiến đầu tư các dự án đường bộ gồm: Vành đai 3, 4, các dự án cao tốc, cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ…; các dự án đường sắt đô thị, BRT; các cảng đường thủy nội địa và cảng cạn, cải tạo, mở rộng và xây mới các bến xe liên tỉnh, bến xe hàng và bến hàng hóa…
Các tuyến vành đai
Để phát huy hết thế mạnh phát triển kinh tế – xã hội của vùng, trong giai đoạn 2021-2025, cần thiết ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến giao thông liên vùng quan trọng như đường Vành đai 3, Vành đai 4; mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; trục động lực kết nối TP. HCM – Long An – Tiền Giang; nạo vét luồng Soài Rạp… Tuy nhiên đến nay, tất cả dự án đều ngưng trệ, chậm tiến độ vì nhiều vướng mắc.
Sở GTVT TP cho biết theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM được phê duyệt ngày 8-4-2013 thì tuyến vành đai 4 có chiều dài khoảng 198 km. Tuyến này đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Long An. Vành đai 4 có mặt cắt ngang hoàn chỉnh 6-8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỉ đồng.
Với dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương liên quan lập dự án ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn từ nay đến 2025 đối với các đoạn tuyến trong qui hoạch và đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư. Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị Bộ chủ trì nghiên cứu toàn diện dự án này. trong đó nghiên cứu phương án, qui mô đầu tư, phân kỳ đầu tư…để dự án sớm được triển khai.
Các tuyến vành đai 3, theo qui hoạch dự án dài 98km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An nhưng đến nay mới đầu tư được một đoạn dài 16km tại Bình Dương. Đối với các đoạn đã được phê duyệt như dự án thành phần 1A (từ tỉnh lộ 25 B đến cao tốc cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) và dự án thành phần 1B (Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – Xa lộ Hà Nội) dự kiến khởi công cuối năm 2021.
Đối với các đoạn còn lại, Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét báo cáo thẩm định báo cáo tiền khả thi doTổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long lập để sớm đầu tư khép kín tuyến đường Vành đai 3.
Theo Sở Giao thông vận tải, việc các dự án quan trọng nơi chậm, nơi tắc khiến cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa phát huy được hiệu quả so với thế mạnh vốn có, có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.