Trong khi làn sóng Covid-19 là nguyên nhân khiến cho việc tăng trưởng tín dụng giảm thì Chính phủ Việt Nam chủ động trong việc kiểm soát sự lây lan trong cộng đồng và gia tăng kích thích tài khóa, đồng thời cùng với NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng đã giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay.
Tín dụng nớ lỏng
Kết quả là, tín dụng toàn ngành chỉ tăng 1,31% trong 3 tháng đầu năm, đến cuối quý II đã cải thiện lên 3,65% và đạt 6,08% so với đầu năm. Tính đến ngày 17/11/2020, tín dụng toàn ngành đã đạt 7,26%, tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2020 của NHNN (8 – 10%).
Nhờ những kết quả thử nghiệm khả quan của vắc xin Covid-19 mới đây, các chuyên gia phân tích cho rằng, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong quý IV/2020 và năm 2021.
Theo đó, VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng đạt 9% trong năm 2020 và 13 – 14% trong năm 2021. Với kỳ vọng GDP 2020 và năm 2021 tăng lần lượt 2,8% và 7,1%, tỷ lệ tín dụng trên GDP sẽ tăng lên 117% năm 2020 và 124% năm 2021, từ mức 110% năm 2019.
“Kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại vào năm 2021 để thúc đẩy nhu cầu tín dụng và giúp phục hồi nền kinh tế trong điều kiện lạm phát được duy trì kiểm soát”, các chuyên gia nhận định.
Việc tiếp cận nguồn vốn với chi phí lãi vay thấp hơn giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí hoạt động, thúc đẩy các doanh nghiệp vay mới phục hồi việc sản xuất kinh doanh. NHNN sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và ở các lĩnh vực có nhu cầu cao sau đại dịch, bao gồm nông nghiệp, sản xuất, xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDirect) kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại vào năm 2021 để thúc đẩy nhu cầu tín dụng và giúp phục hồi nền kinh tế trong điều kiện lạm phát được duy trì kiểm soát.
Lãi suất cho vay giảm đáng kể
Ngân hàng với những lợi thế như tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) cao hoặc tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) thấp hơn, có tỷ lệ thâm nhập thấp trong phân khúc bán lẻ hay ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp sẽ có nhiều cơ hội cải thiện biên độ lãi ròng (NIM).
Để hỗ trợ TCTD giảm chi phí có điều kiện giảm nhanh và mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, NHNN đã giảm 0,6 – 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm).
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Việc điều hành giảm các mức lãi suất nêu trên cùng với các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ đã tác động làm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Cụ thể, đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6 – 0,8%/năm so với cuối năm 2019 trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1 – 2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm. Theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2020 đến đầu tháng 12/2020, để giảm bớt khó khăn từ đó có điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với nền kinh tế, trên cơ sở diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất.
Tổng mức giảm 1,5 – 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, so với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất.