Khi Nghị định 148 chính thức có hiệu lực vào ngày 8/2/2021, Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng các dự án bị ách tắc trên địa bàn sẽ được tháo gỡ, giúp nhiều dự án tung sản phẩm nhà ở ra thị trường, giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở trên địa bàn và bình ổn giá nhà trở lại.
Sau khi được giao hoặc cho thuê đất công, người sử dụng đất liền kề phải thực hiện thủ tục hợp thửa các phần đất này với đất dự án đã được cấp trước đó theo quy định.
Nghị định cũng quy định các phần đất công xen cài nhỏ hẹp để được giao hoặc cho thuê bắt buộc phải thuộc quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đất chưa giao, đất chưa cho thuê hoặc đất đang giao quản lý theo quy định; có diện tích, hình dạng không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa; phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khác có dự án đang điêu đứng vì vướng đất công, đã bắt đầu liên hệ với các chuyên gia, luật sư tham khảo ý kiến trong các vấn đề chuyên môn nhằm chuẩn bị cho việc xúc tiến những thủ tục cần thiết để hoàn thiện pháp lý, đưa các dự án hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, vì Nghị định vừa được ban hành và chưa chính thức có hiệu lực nên trước mắt, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục chờ các sở, ngành triển khai rồi mới đánh giá tác động cụ thể để tiến hành những bước tiếp theo.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ tháng 10/2015, khi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở có hiệu lực, rất nhiều dự án nhà ở đang triển khai bị tạm dừng vì vướng đất hỗn hợp. Hệ quả là hơn 2 năm qua, các doanh nghiệp bất động sản lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh hầu như không trình thêm dự án mới vì còn tồn đọng quá nhiều dự án đã được duyệt nhưng chưa thể triển khai.
Tình trạng trên không chỉ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư chịu rủi ro lớn về tài chính mà còn khiến nguồn cung dự án nhà ở ra thị trường ngày càng khan hiếm, hoặc nếu có dự án thì doanh nghiệp lại không thể cấp sổ hồng cho khách hàng vì chưa thể đóng tiền sử dụng đất, qua đó gián tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản, gây ảnh hưởng chung cho thị trường bất động sản của thành phố.
Thống kê gần đây nhất của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có đến 126 dự án nhà ở thương mại và 158 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng “đứng bánh” do không thể hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai chưa cụ thể trong việc giải quyết thủ tục cho vấn đề đất hỗn hợp, dẫn đến nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan Nhà nước trong việc tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.
Nghị định 148/2020/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành đã mở ra cơ hội được “giải cứu” cho hàng trăm dự án đang “bất động” rơi vào tình trạng nói trên. Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế thì vẫn còn nhiều vấn đề cần hướng dẫn, thực hiện cụ thể.