Trong bối cảnh dịch bệnh, phương thức làm việc từ xa trở nên phổ biến, người dân tại các đô thị lớn đang đổ về vùng nông thôn với mong muốn sở hữu những ngôi nhà với mức giá hợp lí.
Vùng lân cận khu vực 2 thành phố trọng điểm lên ngôi
Làn sóng người đô thị đổ về vùng nông thôn cũng mang đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch tại địa phương. Tại những thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội hay TP HCM, thị trường bất động sản vùng ven cũng chứng kiến nhiều biến động thời gian qua.
Thống kê của Savills cho thấy, bất động sản các khu vực vùng ven Hà Nội ghi nhận hiện tượng giá dự kiến chào bán cao, khoảng 50 – 60 triệu đồng/m2 cho chung cư và 200 – 300 triệu đồng/m2 cho shophouse. Theo Savills, đây là mức giá cao hơn cả các dự án nằm trong khu vực giữa đường vành đai 2 và vành đai 3.
Tương tự, khu vực vùng ven TP HCM như Bình Dương, dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, giai đoạn 2007 – 2010, giá căn hộ ở tỉnh này chỉ khoảng 6 – 18 triệu đồng/m2.
Đến giai đoạn 2015 – 2018, giá rao bán căn hộ trung bình tại Dĩ An khoảng 16 triệu đồng/m2, cao nhất là 25 triệu đồng/m2; còn ở khu vực Thuận An khoảng 17 – 23 triệu đồng/m2.
Tại những khu vực sở hữu mặt tiền đại lộ Bình Dương hay tuyến quốc lộ 13 đi qua trung tâm TP Thủ Dầu Một, trước đây giá chung cư chỉ ở mức 20 – 23 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2019, giá chung cư tại các khu vực trên nhảy vọt lên mức 30 – 35 triệu đồng/m2 và đến tháng 7/2020, nhiều dự án mới chào bán có giá gần 40 – 45 triệu đồng/m2, vượt qua giá bán ở nhiều khu vực tại TP HCM.
Ở thị trường Đồng Nai, nhờ lợi thế tiếp giáp khu Đông TP HCM và các hoạt động đầu tư hạ tầng của địa phương, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành trong tương lai đã thúc đẩy các dự án đất nền phát triển.
Nếu như trong năm 2019, Hội môi giới bất động sản Việt Nam ghi nhận giá đất bình quân tại tỉnh này khoảng 12 – 14 triệu đồng/m2 thì ngay đầu năm 2020, giá đất đã tăng mạnh lên bình quân 22 triệu đồng/m2.
Quy hoạch Thành phố theo chính sách mới đáp ứng người thu nhập thấp
Những thay đổi chính sách về đầu tư, xây dựng, các đợt thanh tra, kiểm tra, rà soát pháp lý nhiều dự án đầu tư; trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản kéo dài từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019 khiến tăng trưởng của thị trường nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh chững lại. Số lượng dự án được phê duyệt, cấp phép thấp chưa từng thấy.
Trong khi đó, thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ đầu năm 2020 đã bước vào giai đoạn khó khăn khi dịch COVID-19 xuất hiện. Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh hiếm hoi chứng kiến việc mở bán, đầu tư dự án.
Chỉ thoáng qua vài thương hiệu lớn có trụ sở hoạt động tại Thành phố nhưng công bố dự án ở các địa phương lân cận.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), nếu năm 2018 trên địa bàn Thành phố có 122 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án thì đến năm 2019 giảm còn 22 dự án và 6 tháng đầu năm 2020 chỉ có 20 dự án.
Trong khi đó, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đang theo diễn biến tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn với những lực gia tốc mới như việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới; trong đó, huyện Cần Giờ dự kiến sẽ trở thành đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường, ông Lê Hoàng Châu nêu viện dẫn.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2021-2025; trong đó, xác định giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2, đến cuối năm 2025 diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người.
Vừa qua Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2021; trong đó, đặt ra chỉ tiêu năm 2021 xây dựng mới 8 triệu m2 diện tích nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,04 m2/người, đến năm 2030 đạt 26,5m2/người.
Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2030 với định hướng phát triển nhà ở gắn liền với chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại là chủ yếu để sử dụng đất hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe.
Tỷ lệ nhà ở chung cư tăng trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới; khuyến khích bằng cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt đối với nhà ở xã hội. Chỉ tiêu phát triển nhà ở tăng thêm theo loại hình. Dự kiến giai đoạn 2021-2030 sẽ phát triển 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, 45,2 triệu m2 sàn nhà ở thương mại và 59,2 triệu m2 sàn nhà ở do người dân tự xây.
Dự báo, giai đoạn 2021-2030 Thành phố cần 149,4 triệu m2 sàn xây dựng; trong đó, năm 2025 tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội đạt 20,13 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho 1,047 triệu người.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay các dự án đang triển khai có khả năng cung ứng 36,47 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, tương đương 329.471 căn nhà, đáp ứng cho khoảng 1,08 triệu người.
Riêng nguồn cung nhà ở xã hội các dự án đang triển khai là 2,45 triệu m2 sàn với 27.574 căn. Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, Thành phố cần tới nguồn vốn 965.000 tỷ đồng để đầu tư và 3.541ha tăng thêm.
Trong 3 năm qua, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư bị thua thiệt nhiều nhất, vì giảm cơ hội tạo lập nhà. Nhiều doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ đã “yếu thế” lại càng thêm “yếu thế” hơn so với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Cùng đó, xuất hiện một số đợt “sốt ảo” giá đất nông nghiệp, giá đất nền và gia tăng tình trạng phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật.