Thu nhập của người dân giảm do kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như vậy, nhu cầu chắc chắn giảm. Đúng nguyên tắc, giá nhà đất cũng phải giảm. Thế nhưng thời gian qua, giá BĐS còn tăng khá mạnh là rất vô lý.
Biến động thành phố mới
Tại khu vực Q.9, giá bất động sản (BĐS) cũng đang bị đẩy lên quá cao. Nhiều lô đất nhỏ lẻ trong hẻm đầu năm giao dịch khoảng 50 – 60 triệu/m2 nhưng nay đã chào bán lên 70 – 80 triệu đồng/m.
Tại khu vực Thủ Thiêm, giá bán căn hộ thấp nhất cũng 120 triệu đồng/m2, như dự án The River Thu Thiem có giá bán trung bình 6.000 USD/m2, dự án The Metropole Thủ Thiêm do Công ty Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư và phát triển bởi Sonkim Land có giá bán lên đến 7.900 USD/m2 hay dự án khu phức hợp tháp quan sát Thủ Thiêm do Công ty TNHH liên doanh Thành phố Đế Vương làm chủ đầu tư có giá bán đến 160 triệu đồng/m…
Nghịch lý nền kinh tế
Nếu nói khu Đông TP.HCM là khu vực biến động mạnh nhất về giá cả bất động sản khu vực phía Nam hiện nay, thì “sân sau” là tỉnh Bình Dương thời gian qua cũng là một “tay đua” về giá. Các nhà đầu tư ví von, Bình Dương cũng được “hưởng lộc” Thủ Đức khi không ít người chỉ cần mua là có lời, thậm chí “trúng đậm”.
Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, thị trường bất động sản Bình Dương, đặc biệt là các dự án tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng trở thành “điểm ngắm” của dòng tiền do lợi thế giáp ranh TP.Thủ Đức.
TP.HCM vẫn là đầu tàu cho cả thị trường bất động sản phía Nam, nhưng giá bất động sản không ngừng tăng mạnh khi nhu cầu vẫn cao mà nguồn cung bị “bó chân” bởi thủ tục bị siết chặt, khiến thị trường này phát đi những tín hiệu khá sai lệch về bức tranh thị trường bất động sản toàn khu vực. Theo ghi nhận của phóng viên, đa số thị trường địa ốc các tỉnh, thành phố phía Nam thực tế khá trầm trong phần lớn thời gian của năm 2020.
Nhìn lại thị trường TP.HCM, có thể thấy, biến động giá diễn ra mạnh nhất không thuộc về các quận trung tâm, mà ở các quận, huyện vùng ven, đặc biệt là những nơi có kết nối hạ tầng giao thông tốt.
Còn một yếu tố nữa khiến giá bất động sản một số khu vực tại TP.HCM tăng phi mã, theo một nhà đầu tư kỳ cựu trong khu vực là ít được nói đến trong các diễn đàn chính thức nhưng dân trong nghề biết rất rõ, đó là tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ đầu tư. Nhận thấy sức cầu cao và thị trường “có vẻ như” chấp nhận rủi ro chính sách siết nguồn cung phản ánh vào giá bán nên các chủ đầu tư này đưa ra giá bán vượt quá xa so với giá thành.
Và dù với nguyên nhân nào thì câu hỏi đặt ra là, mức tăng tịnh tiến và mặt bằng giá đã neo ở mức cao như vậy liệu còn đủ sức hấp dẫn để nhà đầu tư bỏ tiền? Thực tế cho thấy thị trường bất động sản mang yếu tố tâm lý rất cao khi giá càng tăng, dòng tiền càng đổ vào và mấy tuần qua, giới đầu tư địa ốc đổ đi săn lùng những lô đất khá xấu ở khu vực Thủ Đức, Bình Dương theo kiểu “hết nạc vạc đến xương”.
Điều này có thể mang lại rủi ro không chỉ về giá, bởi nhiều lô đất trong số này có hồ sơ pháp lý không đảm bảo nên tồn lại trước đó, đồng thời bối cảnh này cũng tạo đất cho các tay “cò” chuyên nghiệp phô diễn khả năng tạo sốt ảo trong một khu vực rất nhỏ, theo kiểu “tạo sóng”.
Thị trường bất động sản phía Nam thời gian qua ghi nhận sự phân hóa mạnh mẽ từ giá cả đến khu vực đầu tư.