Sự thiếu hụt nguồn cung dự án mới, một trong những nguyên nhân chính đẩy giá bất động sản đến từ nhu cầu thực vẫn đang rất lớn trên thị trường. Cộng thêm việc bất động sản hiện vẫn được ưa chuộng như một kênh đầu tư lâu dài mang lại nhiều lợi nhuận và an toàn, hút dòng tiền đổ về.
Tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư bình dân khoảng 24,8 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư trung cấp khoảng 31 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư cao cấp khoảng 37,7 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020). Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,03%.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, mức giá bán dao động từ 30 – 50 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020).
Tăng trưởng kinh tế gắn liền với mức thu nhập của người dân làm tăng khả năng chi trả nói chung và tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở nói riêng. Bên cạnh đó, nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở do sự thiếu hụt về chất lượng của nhà ở cũng sẽ tăng lên.
Một yếu tố quan trọng liên quan đến sự phát triển của thị trường bất động sản là lãi suất vay mua nhà đang ở mức 9,5%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Báo cáo về Bất động sản Nhà ở “Sẵn sàng cho chu kỳ mới từ 2021” của VNDIRECT dự báo trong bối cảnh áp lực lạm phát đang hạ nhiệt, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì nhằm mục đích tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi. Theo đó, lãi suất vay mua nhà sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2021 nhằm kích cầu mảng bất động sản.
Với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đà phục hồi của nền kinh tế, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hàng đầu của xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ đón đầu dòng vốn đầu tư và nhanh chóng tăng trưởng.
Cùng với xu hướng đô thị hóa, tốc độ gia tăng dân số tại các đô thị lớn kéo theo nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục tăng. Theo đại diện Bộ Xây dựng, đến năm 2030, tỉ lệ dân số đô thị sẽ tăng lên khoảng 45% (hiện là 40%), đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.
Một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng trong 2020 như Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất; Nghị định 91/2019-NĐ-CP thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP với nhiều điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; chính sách miễn, hoãn, giãn về thuế và tiền sử dụng đất, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP làm rõ một số điều của Luật đầu tư về các trường hợp giao đất, cho thuê đất.
Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận nguồn cung và lượng giao dịch giảm, tuy nhiên giá bán ở nhiều phân khúc vẫn giữ giá và thậm chí còn có xu hướng tăng so với cuối năm 2019. Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2020 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, bất động sản nhà ở chưa có xu hướng giảm giá mà vẫn tăng theo quý. Cụ thể, trên cả nước, giá bán căn hộ trung cấp dao động từ 20 – 35 triệu đồng/m2, phân khúc cao cấp từ 35 triệu đồng/m2 trở lên.
Một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản được đề ra và ban hành từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng, tác động tích cực đến thị trường.
Cụ thể như Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư cùng hàng loạt Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành…
Đáng chú ý, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14); trong đó, có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 15/8/2020 và một số nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. Theo đó, sẽ có 10 trường hợp miễn phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2020 và một số những quy định hoàn toàn mới của Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Như vậy, từ ngày 1/1/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành thì các quy định về miễn giấy phép xây dựng đã được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, thuận lợi cho quản lý cũng như người dân trong xây dựng công trình. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng việc giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ năm 2021.
Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả trong khi chính sách đất đai chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài ảnh hưởng đến giá nhà tăng.