Sự lệch pha về cung – cầu này cũng được nói tới trong kết quả nghiên cứu thị trường bất động sản quý 3/2020 của một số doanh nghiệp ở TPHCM.
Giải quyết bài toán cân đối cung – cầu căn hộ chung cư tại TPHCM cũng chính là giải bài toán an cư cho người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng TPHCM trở thành đô thị đáng sống, phát triển bền vững. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý và lãnh đạo TPHCM trong thẩm quyền của mình, cần tạo điều kiện giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng. Đồng thời có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng các dự án chung cư có mức giá phù hợp với đa số người dân.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trong 10 tháng từ đầu năm 2020, thị trường sụt giảm nguồn cung dự án căn hộ “vừa túi tiền” và nhà ở xã hội. Trong khi đó, Sở Xây dựng TPHCM xác nhận 20 dự án với tổng số 6.722 căn nhà đủ điều kiện huy động vốn nhà ở sẽ hình thành trong tương lai. Trong đó, có 4.876 căn (tỷ lệ 72,5%) thuộc phân khúc cao cấp; phân khúc nhà ở trung cấp có 1.683 căn (tỷ lệ 25%). Riêng phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chiếm tỷ lệ 2,5% trên tổng sản phẩm nhà ở trên thị trường.
HoREA nhận định, cơ cấu sản phẩm nhà ở cho thấy rõ nét tình trạng lệch pha cung – cầu trên thị trường, dẫn tới phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nguyên nhân gây lệch pha cung – cầu là do chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất; ngoài ra thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp cũng khiến giá nhà “đội” lên cao.
“Trong thời gian qua, nhiều sở, ngành của TPHCM đã có những cải cách thủ tục hành chính. Nhưng nhìn tổng thể, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, phát triển dự án bất động sản vẫn còn rất nặng nề, khó khăn”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn tại TPHCM cho biết, trên trang web của doanh nghiệp, hơn 66% lượng người tìm kiếm căn hộ phân khúc bình dân, giá bán dưới 30 triệu/m2. Tuy nhiên, năm 2020 số lượng nguồn cung dự án phân khúc bình dân ra thị trường lại rất ít, mà chủ yếu là phân khúc cao cấp. Điều này cho thấy, nhu cầu nhà ở của một bộ phận người có thu nhập trung bình chưa được đáp ứng, mà chủ yếu là phục vụ nhu cầu đầu tư.
Theo ông Tuấn, xu hướng sắp tới, các khu vực lân cận TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương sẽ phát triển nhà ở phân khúc trung cấp. Với mức tăng giá như hiện tại thì thị trường Bình Dương đang dần tiệm cận với mức giá sản phẩm ở khu vực vùng ven TPHCM. Như vậy, số lượng nhà ở giá thấp phù hợp với người có thu nhập trung bình sẽ ngày càng ít đi. Do đó, những người có nhu cầu ở thực có thể nghĩ đến khu vực khác ngoài TPHCM.
“Hiện tại tốc độ đô thị hoá diễn ra rất mạnh, cơ sở hạ tầng được phát triển rất nhanh, đặc biệt năm 2020 nhiều hạ tầng đã được triển khai. Thời gian tới khi hạ tầng phát triển như tuyến metro hoặc tuyến buýt đi vào TPHCM nhanh hơn thì nên quan tâm khu vực nào có nhu cầu cao”, ông Đinh Minh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho biết đô thị hóa và phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong 10 năm qua, đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam có bước phát triển nhanh, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Không gian và số lượng đô thị được tăng nhanh từ 33,5% năm 2010 lên gần 39% năm 2020.
Các đô thị được phân bố đồng đều tạo động lực hạt nhân cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế đô thị là một trong ba trụ cột của nền kinh tế, chiếm hơn 7% GDP của cả nước, chiến lược nhà ở quốc gia đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, đô thị hóa và phát triển đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế như nguy cơ mất cân đối về phát triển giữa đô thị và nông thôn, giữa môi trường nhân tạo và môi trường tự nhiên, chênh lệch phát triển và thu nhập giữa các vùng còn khá lớn, hạ tầng quá tải, kết nối chưa đồng bộ… Thực tế đã đặt ra vấn đề về yêu cầu phát triển cao về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là thị trường BĐS và nhà ở, thị trường BĐS có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Thị trường BĐS thời gian qua còn nhiều hạn chế bất cập, gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa kịp sửa đổi kịp thời.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, mức tăng giá nhà trong thời gian qua đã cao gấp nhiều lần so với mức tăng giá vàng.
Đơn cử, theo khảo sát của đơn vị này, nếu năm 2002 giá nhà tại quận Hoàn Kiếm trung bình chỉ khoảng 11 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá tại khu vực này đã tăng lên 33 lần ở ngưỡng trên 360 triệu đồng/m2. Trong khi đó, gần 2 thập kỷ qua, giá vàng chỉ tăng khoảng 8 lần lên mức khoảng 55 triệu đồng/m2. Như vậy, tốc độ tăng giá của bất động sản cao gấp 4 lần tốc độ tăng giá của vàng trong gần 20 năm qua.
Vị này nhận định thêm, trong vòng 10 năm nữa, việc sở hữu được nhà tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội sẽ khó khăn không kém Thượng Hải, Bắc Kinh lúc này. “Giá nhà Thượng Hải liên tục tăng qua các năm, đắt đến mức “trúng xổ số mới mua nổi”, điều tương tự cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam”, ông Quốc Anh nói.