Sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng. Nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn tư vấn mới cấp chứng chỉ cho dự án.
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng kiểm tra đánh giá về kỹ thuật, an toàn của dự án. Nếu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đạt điều kiện sẽ được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
Nhìn lại qua 3 ngày vận hành chạy thử, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, các lượt tàu đã được chạy đủ theo biểu đồ hoạt động, tổng số chuyến đạt 287 lượt/ngày; tần suất 6 phút/lượt vào giờ cao điểm, 10 phút/lượt vào giờ bình thường.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), căn cứ kết quả vận hành thử, Liên danh tư vấn độc lập Pháp (ACT) sẽ cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án (dự kiến trong quý I/2021). Sau khi được cấp chứng chỉ chủ đầu tư (Bộ GTVT) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Thành phố Hà Nội quản lý, vận hành.
Được biết, Metro Hà Nội đã bố trí cơ bản đủ 650 người vận hành trên tuyến, thời gian nhân viên trực và vận hành tàu là từ 5h đến 23h. Các nhân sự sau khi đào tạo, qua vận hành thử sẽ được Tư vấn đánh giá, sau khi được cấp chứng chỉ nhân sự vận hành an toàn sẽ được tham gia vận hành chính thức.
Khi đoàn tàu đang chạy trên tuyến, tư vấn Pháp đưa ra tình huống cháy xảy ra ở giữa tàu để đơn vị vận hành xử lý. Với phương án này, theo yêu cầu của đại diện tổng thầu Trung Quốc, lực lượng vận hành không được bấm nút báo động để bơm khí tươi vào, vì đại diện tổng thầu giải thích rằng, khi cháy mà bơm khí tươi vào sẽ làm ngọn lửa bùng cháy thêm (hư hại tàu). Nhưng tư vấn Pháp không chấp nhận cách xử lý này, yêu cầu: khi xảy ra cháy trên tàu, lực lượng vận hành phải báo động và bơm khí tươi vào để giữ khí thở cho khách, còn tàu cháy thì phải chấp nhận.
Đánh giá về cách xử lý này, chuyên gia đường sắt đô thị cho rằng, trong phương án vận hành tàu, châu Âu họ tôn trọng con người (hành khách), còn tổng thầu tại dự án Cát Linh – Hà Đông lại quan tâm đến giữ an toàn cho phương tiện.
Bên cạnh đó, qua 3 ngày vận hành đầu tiên theo phương án vận hành các đoàn tàu đến khớp nối với các hệ thống khác như đường ray, nhà ga, tín hiệu… các lượt tàu chạy đạt 100% theo biểu đồ, tuy nhiên, tư vấn Pháp ghi nhận, vẫn còn một số lượt chuyến, tàu không chở khách, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện vận hành, nhưng vẫn bị chậm giờ về ga từ 1- 2 phút.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13,05km có 12 ga và 1 khu Depot. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80m. Vận tốc thiết kế 80km/h, vận tốc khai thác thương mại 35km/h. Dự án có hạ tầng đường ray thép đi cao trên cầu cạn, đường đôi riêng biệt. Đường ray khổ rộng 1.435mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, những tình huống về kỹ thuật, khai thác, đặc biệt là an toàn của hành khách ngay trên đoàn tàu, đường ray, nhà ga đều được đặt ra. Vì vậy, việc vận hành thử nghiệm được thực hiện trong nhiều ngày để có đánh giá kỹ lưỡng, không phải chỉ thử nghiệm vài ngày có thể đánh giá được toàn bộ hệ thống.
“Hiện nay đang là vận hành thử, đang chuyển giao công nghệ và có rất nhiều việc phải làm, phải đánh giá, phải xử lý và thống nhất. Vì thế, trong một tình huống mà có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, quan trọng nhất là cuối cùng các bên thống nhất xử lý như thế nào cho hiệu quả nhất” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Đề cập tới ý kiến nhận định “trong phương án vận hành tàu, châu Âu họ tôn trọng con người (hành khách), còn tổng thầu tại dự án Cát Linh – Hà Đông lại quan tâm đến giữ an toàn cho phương tiện”, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng đây là ý kiến không có cơ sở. Bởi, đánh giá như thế nào đều có quy chuẩn, quy định và có nhiều bên tham gia giám sát.
“Về nguyên tắc, việc vận hành phải tuân thủ quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn khai thác, an toàn cho hành khách và phương tiện, chứ không phải là quan tâm tới con người hơn hay phương tiện hơn.” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 28/10 vừa qua về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, thành phố Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cam kết, trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện và cố gắng tối đa để đưa dự án Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021).