KIS cho rằng với chính sách thương mại của ông Biden, căng thẳng Mỹ – Trung sẽ bớt gay gắt phần nào và lợi ích của các bên liên quan sẽ có xu hướng đảo ngược. Nhưng vẫn có nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh truyền thống và áp dụng các rào cản kỹ thuật để giải quyết tình trạng thương mại không công bằng.
Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam vừa có báo cáo phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden . Trọng tâm trong kế hoạch của ông Biden là phục hồi kinh tế Mỹ sau khủng hoảng COVID-19. Điều này có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, theo sau đó là sự mở rộng các hoạt động thương mại cho Việt Nam.
Công nghiệp phụ trợ và bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi
Theo KIS, kế hoạch đầy tham vọng của Joe Biden có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, theo sau là mở rộng các hoạt động thương mại. “Với tư cách là đối tác thương mại chiến lược, chúng tôi kỳ vọng biện pháp kích thích của Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam về lâu dài”, đại diện KIS cho biết.
Bên cạnh đó, để hiện đại hóa hệ thống giao thông xuống cấp, ông Biden đề xuất tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng như một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong dài hạn. Chiến lược đầy hứa hẹn này sẽ làm tăng nhu cầu đối với các kim loại xây dựng như thép, sắt, nhôm và đồng, nhờ đó tạo lợi ích cho các nhà cung cấp trong và ngoài nước, bao gồm cả Việt Nam.
Đánh giá của KIS Việt Nam về triển vọng của một số ngành dưới chính sách kinh tế của ông Joe Biden. |
Báo cáo nêu rõ, lập trường của đảng Dân chủ là tiếp tục ủng hộ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Với chiến thắng của Joe Biden, mối quan hệ Mỹ – Trung sẽ không trở nên quá căng thẳng nhưng ảnh hưởng của nó đến chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể đảo ngược. Sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sẽ khiến dòng vốn FDI đổ vào các nước khác và Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ điều này.
Vì thế, KIS cho rằng: “Chúng tôi kỳ vọng các ngành công nghiệp phụ trợ và các bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi”.
Việt Nam có thể thu hút các dòng vốn đầu tư tài chính quốc tế. Với ông Biden, Fed sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, chẳng hạn như giữ lãi suất ở mức thấp. Ngoài ra, kế hoạch thuế của vị tổng thống đắc cử cũng gây áp lực lớn lên thị trường tài chính Mỹ. Do đó, dòng vốn tài chính từ Mỹ có thể tìm kiếm các thị trường khác, chẳng hạn như Việt Nam, với lợi nhuận cao hơn cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo KIS, Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng thu hút dòng vốn từ các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục). Từ đầu năm, dòng tiền FDI vào Việt Nam đạt 48 triệu USD, đứng thứ hai ở Đông Nam Á, trong khi Malaysia và Philippines ghi nhận dòng tiền âm. Do đó, Chứng khoán KIS đánh giá, Việt Nam có thể trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư Mỹ.
Joe Biden thích “Made in America”
Theo dõi lịch sử 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ phó tổng thống Mỹ trước đây và nội dung chiến dịch tranh cử của Joe Biden ở nhiệm kỳ này, KIS Việt Nam tổng hợp 6 trụ cột trong kế hoạch của tổng thống đắc cử.
Đầu tư cơ cở hạ tầng giao thông được xem là trụ cột kinh tế đầu tiên của nhiệm kỳ Biden. Thay đổi hoàn toàn hệ thống giao thông của Mỹ là một trong những cam kết quan trọng quá trình tranh cử tổng thống của ứng cử viên này.
Theo KIS Việt Nam, hệ thống giao thông nước này vốn đã bị người Mỹ chỉ trích từ lâu. Nếu thành công, người Mỹ sẽ được hưởng lợi không nhỏ. Mua hàng hóa nguyên liệu sản xuất tại Mỹ, thuê nhân công Mỹ, nâng cấp cơ sở hạ tầng của Mỹ và cuối cùng thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu.
KIS đánh giá: “Đây là một kế hoạch cực kỳ hứa hẹn”.
Ông Joe Biden hứa hẹn nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông của Mỹ và cuối cùng thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Ảnh: 7 Mile Advisors |
Là một trong những người ủng hộ đầu tiên và tích cực nhất về vấn đề biến đổi khí hậu , Joe Biden rất chú trọng đến việc chuyển đổi nền kinh tế Mỹ thành nền kinh tế năng lượng xanh. Để biến giấc mơ này trở thành hiện thực, gần 500 tỷ USD đang được tài trợ cho một số dự án trọng điểm. Đó sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.
Song song đó, ông Biden sẽ có các kế hoạch đầu tư vật lực quan trọng khác như tăng khả năng truy cập băng thông rộng, nhất là ở những khu vực nông thôn, người già và thu nhập thấp. Dưới thời ông Biden, người ta hy vọng các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và chủ doanh nghiệp sẽ được sửa đổi và mở rộng lên đến 3 tỷ USD.
Quan trọng hơn hết, thị trường chú ý vào kế hoạch “Sản xuất tại Mỹ” (Made in America). Với kế hoạch này, Joe Biden muốn tăng cường năng lực sản xuất và đổi mới của Mỹ bằng cách sắp xếp các nguồn lực liên bang một cách hợp lý và đầu tư vào công nghệ có giá trị cao để mang lại lợi ích cho người lao động trong nước và các doanh nghiệp nhỏ.
“Mua hàng Mỹ” (uy America) và “Đổi mới ở Mỹ” (Innovate in America) là hai kế hoạch nổi bật nhất trong sáu kế hoạch “Sản xuất tại Mỹ” của Biden.
Chính quyền Joe Biden nhất thể kế hoạch “Made in America”. Ảnh: Workpermit |
Nhìn chung, KIS cho rằng với chính sách thương mại của ông Biden, căng thẳng Mỹ – Trung sẽ bớt gay gắt phần nào và lợi ích của các bên liên quan sẽ có xu hướng đảo ngược. Nhưng vẫn có nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh truyền thống và áp dụng các rào cản kỹ thuật để giải quyết tình trạng thương mại không công bằng.
Hàng Việt khó cạnh tranh với Trung Quốc
Điểm sáng là thế nhưng KIS vẫn lo ngại về một số điểm tiêu cực từ chính sách kinh tế của tân tổng thống đắc cử với kinh tế Việt Nam.
Là một chính sách thiết yếu trong kế hoạch hồi sinh ngành sản xuất trong nước, “Sản xuất tại Mỹ” sẽ cung cấp nhiều khoản đầu tư vào hoạt động mua sắm liên bang để nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước so với Trung Quốc và các nước có dòng sản phẩm tương tự. Hành động này có thể làm thay đổi thị phần và vị thế của các doanh nghiệp trong nước và cản trở các nhà xuất khẩu tiếp cận và tìm kiếm lợi nhuận từ Mỹ.
Thương chiến Mỹ – Trung sẽ “dễ thở” hơn dưới thời ông Biden nhưng khó thể đảo ngược. Ảnh: SCMP |
Ngoài ra, việc tăng cường rà soát lạm dụng thương mại khiến các nhà cung cấp bên ngoài có nguy cơ bị gắn nhãn thao túng tiền tệ. Việt Nam cũng nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ do thặng dư thương mại song phương cao. Hồi tháng 11/2020, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã công bố quyết định sơ bộ khẳng định áp thuế chống trợ cấp đối với lốp xe hơi và xe tải nhẹ từ Việt Nam một phần do đồng tiền bị định giá thấp.
Hơn nữa, là một phần của Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal), tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ đưa việc chống biến đổi khí hậu vào cách tiếp cận của nước này đối với thương mại. Mỹ dự kiến sẽ áp đặt phí hoặc hạn ngạch điều chỉnh carbon đối với hàng hóa sử dụng nhiều carbon từ các quốc gia không đáp ứng các nghĩa vụ về khí hậu và môi trường.
Ông Biden cũng sẽ đưa các điều kiện mới liên quan đến các cam kết về biến đổi khí hậu vào các hiệp định thương mại sau này. Vì thế, KIS dự đoán, chính sách này có thể thay đổi cơ cấu và giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong tương lai.
Hàng Việt Nam sẽ bớt tính cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia khác. Ảnh: VOV |
Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi cách tiếp cận của ông Biden đối với căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
“Được coi là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, sự thay đổi trong cách tiếp cận và thái độ của chính quyền ông Biden sẽ đảo ngược khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với Trung Quốc và hạn chế việc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam”, KIS cảnh báo.
Theo Tấn Đạt