Khi thị trường diễn biến theo chiều hướng xấu đi cộng với tác động từ cuộc vỡ trận đầu tiên, kỳ vọng của nhà đầu tư đối với sản phẩm condotel không còn nhiều, mặt khác họ không còn kiên nhẫn để chờ đến khi thị trường phục hồi trở lại. Do đó nhiều nhà đầu tư lựa chọn phương án thanh lý hợp đồng, chủ đầu tư hoàn trả lại tiền mua căn hộ.
Trên thực tế, việc nguồn cung một số sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục khan hiếm trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm các yếu tố như tác động của dịch Covid-19, quy hoạch, quy trình pháp lý, cam kết lợi nhuận,…
Mặc dù các bộ ngành đã có văn bản hướng dẫn về các vấn đề pháp lý condotel, thế nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp, điều này vẫn chưa đủ. Theo các chuyên gia, đối với các nhà đầu tư, việc không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến họ có tâm lý lo ngại. Bởi chỉ khi khẳng định được quyền sở hữu mới dễ định đoạt tài sản, trong trường hợp cần tiền còn có thể chuyển nhượng,…Ngoài ra, việc nhiều chủ đầu tư không thực hiện cam kết lợi nhuận cũng khiến cho niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường bị lung lay.
Tại buổi giao lưu trực tuyến “Thị trường bất động sản năm 2021: Dự báo xu hướng và cơ hội đầu tư” mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng condotel vẫn còn tiềm năng dể phát triển dù đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2019 – 2020.
Theo ông Hà, Chính phủ và các bộ ngành đang hoàn thiện pháp lý cho mô hình condotel. Nếu nhìn nhận khách quan, mô hình này khá tốt, huy động được vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để có thể xây dựng các khu đô thị nghỉ dưỡng lớn để thu hút khách. Do đó, vấn đề căn cơ đặt ra là pháp lý về condotel cần hoàn thiện. Các chủ đầu tư cũng cần điều chỉnh phương thức phát triển sản phẩm để phù hợp với nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư mà không vi phạm pháp luật.
Bên cạnh sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19, từ cuối năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã nóng lên bởi các mâu thuẫn giữa khách hàng với chủ đầu tư vì không thể chi trả lợi nhuận cam kết. Các chủ đầu tư cho biết nguyên nhân là nhiều hạng mục dự án bị đình trệ do thủ tục đầu tư khó khăn, nguồn thu từ kinh doanh không đủ để trả lợi nhuận cam kết.
Nhằm giải quyết vấn đề, một số chủ đầu tư đưa ra giải pháp dừng trả lợi nhuận cam kết, đồng thời tái cấu trúc dự án, trong đó chuyển đổi một phần căn hộ condotel thành chung cư, điều chỉnh quy hoạch và tiến độ xây dựng các công trình còn lại.
Sau khi đã ký hợp đồng, nhận bàn giao căn hộ và đã vay tiền của ngân hàng, người mua condotel đứng trước cảnh chịu mọi tổn thất khi chủ đầu tư phá vỡ cam kết chi trả lợi nhuận.
Bên cạnh đó, không phải dự án nào cũng có thể được chấp thuận chuyển đổi thành căn hộ chung cư do việc điều chỉnh quy hoạch có thể dẫn đến tình trạng bóp méo cơ cấu sử dụng đất và hình thành một khu dân cư không có trong kế hoạch phát triển.
HoREA đề xuất Chính phủ sẽ xem xét, ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định thi hành Luật Đất đai” sẽ có cơ chế xử lý đối với các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư, dự án nhà ở.
Đồng thời, Chính phủ có quy định cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho công trình xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án nhà ở như condotel (căn hộ khách sạn), officetel (căn hộ văn phòng), shophouse (nhà phố thương mại), serviced apartment (căn hộ dịch vụ), cũng như các loại sản phẩm bất động sản tương tự có thể phát sinh sau này.
HoREA đề nghị sớm có dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, bao gồm việc lựa chọn, chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại và quy định cơ chế chặt chẽ về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó có các cơ chế, chính sách khả thi để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng lại hàng trăm nhà chung cư cũ, hư hỏng hiện nay và thực hiện tái định cư cho các hộ gia đình có nhà ở tốt hơn chỗ ở cũ.
Một số chuyên gia cho rằng condotel vẫn còn dư địa để phát triển bởi tiềm năng và triển vọng của du lịch Việt Nam và đây là mô hình tốt, có thể huy động được vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vấn đề đặt ra hiện tại là pháp lý condotel phải được hoàn thiện, các nhà đầu tư cũng cần có sự kiên trì.