Nếu nói về mức tăng giá thì bất động sản khu Đông là mức tăng tốt nhất tại TP.HCM, nhưng nếu nói về mức giá hợp lý thì khu Tây có mức giá bất động sản rất tốt. Gọi là mức giá hợp lý, bởi mức giá này tăng ổn định, đều và dựa vào nhu cầu thật của thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khu Tây đang được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng thời gian qua và không hề thua kém gì “người đàn anh” khu Đông.
“Nếu nghĩ rằng thành phố đang chỉ tập trung đầu tư cho khu Đông và bỏ quên khu Tây là cách hiểu không đúng. Bởi, nhiều bệnh viện lớn hàng đầu của TP.HCM đã được xây dựng ở khu Tây và theo lộ trình 10 năm tới, Bình Chánh sẽ trở thành quận”, ông Châu nói.
Theo quan sát, khu Tây TP.HCM đang thu hút giới đầu tư với nhiều dự án được triển khai, quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông đầu tư mạnh. Xác định đây là khu vực ưu tiên thứ hai sau khu Đông về mức độ phát triển hạ tầng của TP.HCM, đồng thời cũng là nơi tập trung nguồn cầu lớn, các sản phẩm của khu Tây đang định vị mức giá vừa phải hơn.
Theo thống kê giai đoạn 2010-2020, TP.HCM triển khai 216 công trình, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này là hạ tầng kết nối với khu Đông. Trong đó đáng chú ý phải kể đến các dự án trọng điểm như: xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường Vành đai 3, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ…
Nếu trước đây, sức nóng của thị trường bất động sản khu Đông luôn tăng cao với biên độ giá tăng từng ngày thì khu Tây lại chinh phục thị trường bằng sự phát triển âm thầm nhưng đầy nội lực để sẵn sàng bứt phá. Hạ tầng giao thông của khu Tây Sài Gòn đang từng bước hoàn thiện với sự kết nối của các công trình giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc Bến Lức – Long Thành,…
Ngoài sự đầu tư bài bản về hạ tầng, sự kết nối của các công trình giao thông trọng điểm cũng đã trở thành đòn bẩy khiến khu Tây là điểm đến lý tưởng cho giới kinh doanh bất động sản cũng như người có nhu cầu ở thực. Có thể nói, ở thời điểm hiện tại khu Tây và những địa phương lân cận không chỉ là điểm trung chuyển trong mô hình phát triển của TP.HCM mà còn là cửa ngõ của những dự án dân cư, hạ tầng kết nối cũng như các tiện ích về y tế, giáo dục và thương mại…
Theo chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển, khu Đông chính là khu vực năng động nhất ở cửa ngõ phía Đông của TP.HCM. Không chỉ nhờ vị trí thuận lợi mà còn được Nhà nước và các địa phương đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ từ cảng biển nước sâu, hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, các khu công nghiệp lớn trong vùng.
Ngoài các tuyến metro, TP.HCM cũng chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 3, giúp giao thông khu Tây Sài Gòn kết nối với các quận nội thành, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thuận tiện hơn.
Chỉ riêng ở phân khúc căn hộ trong 10 tháng năm 2020, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM có 9 dự án mới mở bán tại khu Đông, cung cấp ra thị trường hơn 8.000 căn, chiếm 66,3% nguồn cung căn hộ toàn thành phố (12.134 căn) và có mức giá trung bình từ 38-67 triệu đồng/m2. Hiện tại, khó có thể tìm ra căn hộ có mức giá dưới 35 triệu đồng/m2 tại khu Đông thành phố.
Cũng theo ông Châu, vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông của khu Tây ngày càng hoàn thiện nhờ sự hiện diện của các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TPHCM – Trung Lương, cầu vượt An Sương, các tuyến cao tốc “tỷ đô” TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh), TPHCM – Cần Thơ, tuyến Metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên), Metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn).
TP.HCM có xu hướng phát triển đa cực để khai thác quỹ đất rộng, xây dựng không gian sống chất lượng. Trong đó, hai trục Đông – Tây nhờ những tiềm năng nổi bật đang không ngừng tăng trưởng với sự xuất hiện của nhiều dự án lớn.