Học viện Quân y sẽ tuyển 20 tình nguyện viên khoẻ mạnh, không có bệnh nền, không có cơ địa dị ứng… để tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19.
Theo thông tin mới đây từ Bộ Y tế , Công ty Nanogen đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật. Đến ngày 10/12, Nanogen sẽ phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine COVID-19 của Việt Nam.
20 người sẽ được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19
Chia sẻ với Thanh Niên, lãnh đạo Học viện Quân y cho biết: “Chúng tôi xây dựng các tiêu chuẩn chặt chẽ để thông báo tuyển người tiêm tình nguyện, nguyên tắc đúng quy định của Bộ Y tế, đảm bảo tối đa cho người tham gia”.
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn người tiêm thử nghiệm vaccine sẽ là những người khỏe mạnh, không có bệnh nền. Đặc biệt, tình nguyện viên sẽ được khai thác kỹ về tiền sử sức khỏe, tình trạng dị ứng (với thuốc, thực phẩm…) vì yếu tố cơ địa này liên quan nhiều đến phản ứng sau tiêm vaccine. Những người có cơ địa dị ứng thì chắc chắc không nên tiêm.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý về việc đã từng sử dụng thuốc, hay tiêm vaccine nào khác trước khi tham gia đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19.
Một người tình nguyện đang được tiêm thử nghiệm vắc-xin do Pfizer phát triển. Ảnh: WSJ |
Học viện Quân y cho biết, đơn vị này đã được trang bị đầy đủ về thiết bị xét nghiệm, có khu vực giường lưu cho người tình nguyện để theo dõi sức khỏe trong các giờ đầu sau tiêm. Học viện cũng tăng cường các y bác sĩ chuyên về cấp cứu để có thể xử trí ngay nếu có các phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine thử nghiệm.
“Cũng như bất kỳ một thuốc nào khác, vaccine có thể gây phản ứng không mong muốn. Đặc biệt, trong nước, vaccine COVID-19 này chưa từng tiêm trên người nên chưa có dữ liệu. Theo thông tin quốc tế, bản chất của vaccine COIVD-19 là ‘lành’, vaccine COVID-19 ‘madein in Việt Nam’ cũng đã được đánh giá trên động vật về an toàn, nhưng việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho thử nghiệm là rất cần thiết, đặc biệt với những mũi tiêm đầu, người được tiêm đầu tiên’’, một chuyên gia về thử nghiêm lâm sàng của Bộ Y tế đánh giá.
Đại diện Cục Khoa học công nghệ – Bộ Y tế cho biết: “Để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàn g, sau tiêm mũi 1 khoảng 2 tháng, giai đoạn 2 của tiêm thử nghiệm sẽ được triển khai”.
Nhóm 20 tình nguyện viên sẽ được tuyển chọn để tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19. Ảnh minh hoạ: Getty |
Theo Tuổi Trẻ, với quyết định cho tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 của Nanogen trên người, dự kiến sẽ có 20 người tình nguyện khỏe mạnh được tiêm ngừa trong ngày 10/12 tới. Theo kế hoạch, một nhóm nhỏ trong số này được tiêm trước và trong 24-48 giờ kế tiếp sẽ tiêm tiếp số còn lại trong nhóm được chọn tiêm thử nghiệm.
Dự kiến 3 tháng sau khi tiêm thử nghiệm trên nhóm nhỏ người tình nguyện, vaccine COVID-19 của Việt Nam sẽ được triển khai tiêm trên nhóm tình nguyện lớn hơn là 400 người, theo hình thức “triển khai gối đầu”.
Chủ động để có vaccine càng sớm càng tốt
Phía Học viện Quân y cho hay, nhiều tháng qua vaccine COVID-19 đã được Công ty Nanogen nghiên cứu tiềm lâm sàng trên chuột, khỉ và cho kết quả an toàn, có đáp ứng miễn dịch. Lãnh đạo Học viện đã có các cuộc họp với lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), lãnh đạo Công ty Nanogen, các chuyên gia thẩm định, về công tác triển khai thử nghiệm, trên nguyên tắc đảm quản an toàn tối đa cho người tiêm tình nguyện.
Tại cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với các đơn vị sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam vào ngày 5/12, ông nêu rõ: “Sau đó 1 tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên. Song song đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. Chúng ta cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vaccine càng sớm càng tốt”.
Một công đoạn trong nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 tại Công ty Nanogen. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Bộ trưởng khẳng định sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vaccine bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vaccine đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19. Đồng thời, tư lệnh ngành yêu cầu Polyvac tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga và chủ động liên hệ với Trung Quốc để có thể tiếp cận với vắc xin của các quốc gia này.
Tổng Hợp