Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả trong khi chính sách đất đai chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài.
Trong năm 2021 vẫn cần ít nhất một số điểm mạnh mẽ hơn nữa như: về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất condotel, officetel; về hạn điền và tích tụ ruộng đất; về chế tài đối với dự án không hoặc chậm triển khai. Cùng với các chính sách khác về xây dựng, thị trường bất động sản; về tiền tệ – tín dụng ngân hàng; về thuế, quỹ và các công cụ tài chính; về đầu tư, doanh nghiệp đặc biệt là đầu tư công và về quyền. Chỉ có bệ đỡ chính sách tốt thì thị trường bất động sản mới có thể vượt qua được giai đoạn thách thức hiện nay.
Nhìn nhận về cơ cấu thị trường bất động sản, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra: Nếu như trong giai đoạn 2014 trở về trước, thị trường bất động sản chủ yếu chỉ có sản phẩm nhà ở (nhà liền kề, biệt thự) được xây dựng tại các dự án có quy mô nhỏ tham gia thị trường thì giai đoạn 2015 – 2020, sản phẩm và cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản đã có nhiều thay đổi và ngày càng phong phú, xu hướng phát triển của thị trường bất động sản cũng ngày càng đa dạng, ngoài nhà ở thương mại còn có nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch (biệt thự du lịch, căn hộ du lịch), văn phòng, trung tâm thương mại, mặt bằng cho thuê,…
Trong tổng số 5.000 dự án nhà ở có hơn 1.000 dự án nhà ở xã hội; bên cạnh đó còn có 326 khu công nghiệp, gần 40.000 căn hộ du lịch; trên 6 triệu mét vuông văn phòng cho thuê (tăng gần gấp 3 so với năm 2009)…Nhìn từ cơ cấu sản phẩm bất động sản như hiện tại, báo cáo của Bộ Xây dựng nhận định, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, kinh doanh bất động sản đặc biệt nhạy cảm với việc thay đổi chính sách. Các văn bản mới được ban hành để tháo gỡ nhiều khi vấp phải những quy định khác gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khi chuẩn bị dự án chủ đầu tư đã tính toán những chi phí để huy động. Nhưng khi có văn bản mới chi phí tăng lên khiến nhà đầu tư vỡ trận, nhiều dự án đổ bể. Trong khi dự án có thể đã có cam kết với doanh nghiệp khác hay người mua nhà từ trước đó… Chính vì vậy có dự án 10 năm không thực hiện được bởi vướng mắc ở những cơ chế chính sách.
Còn theo PGS. TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Thị trường bất động sản Việt nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh. Chính sách đất đai – một trong những chính sách nền tảng của thị trường bất động sản đang có những chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa có thể chuyển biến mạnh mẽ hơn mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường bất động sản. Các tác động về cơ bản là tích cực”.
Một nghịch lý khác đang diễn ra trên thị trường đó là, dù phát triển kinh tế sẽ đưa thu nhập bình quân dân số thành thị tăng nhanh hơn, đồng thời nhu cầu về chất lượng nhà ở tại các thành phố tăng lên, tuy nhiên, tốc độ gia tăng ngân sách chi tiêu dành cho nhà ở không thay đổi nhiều.
Trước nguy cơ thị trường bất động sản có thể bước vào giai đoạn đóng băng, một trong những phương án mà Bộ Xây dựng đặt ra làm nhiệm vụ trọng tâm đó là cơ cấu lại sản phẩm bất động sản, tập trung hướng tới phân khúc nhà ở bình dân và giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của phần lớn người dân.
Dự báo về thị trường bất động sản trong những năm tới, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cơ cấu sản phẩm bất động sản sẽ có sự dịch chuyển trong đó phân khúc nhà ở hướng đến nhu cầu ở thực gia tăng. Nhìn từ bài học giai đoạn 2011 – 2013 có thể thấy nút thắt từ cơ cấu sản phẩm bất động sản nếu được hoá giải sẽ góp phần tạo ra cơ hội phục hồi trở lại của thị trường. Giới chuyên gia cho rằng, việc tái cơ cấu lại nguồn cung bất động sản ở thời điểm hiện tại cũng sẽ tạo bệ đỡ cho thị trường vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Từ ngày 1/1/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành thì các quy định về miễn giấy phép xây dựng đã được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, thuận lợi cho quản lý cũng như người dân trong xây dựng công trình. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng việc giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ năm 2021.
Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2020 sẽ được thông qua vào năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có thể sẽ dẫn tới nguồn cung căn hộ mới phục hồi trong các năm tới về mức năm 2017 – 2018.
Ngoài ra, Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản. Theo đánh giá của một số chuyên gia, các chính sách mới ban hành sẽ giúp tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng mới đây đưa ra đánh giá, hoạt động kinh doanh bất động sản trên cả nước đã có tiến triển tốt, sôi động hơn trong những tháng cuối năm với nhiều tín hiệu lạc quan, tích cực. Càng về cuối năm, thị trường càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Một số chính sách về nhà ở và thị trường BĐS trong năm 2020 bắt đầu có hiệu lực, đã tác động tích cực đến sự phát triển thị trường. Để kích hoạt thị trường 2021 tất yếu sẽ cần những chính sách mới mạnh mẽ hơn nữa.