Để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế đồng bộ, thống nhất tạo điều kiện thông thoáng, phù hợp thông lệ quốc tế để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường bất động sản.
Muốn làm vậy, theo TS. Cấn Văn Lực cần thành lập bộ phận chuyên trách tổng hợp, quản lý và công bố thông tin, dữ liệu thị trường bất động sản định kỳ; xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các thành phần trên thị trường; nghiên cứu thực hiện đồng bộ hệ thống chỉ tiêu thống kê, đánh giá, đo lường thị trường bất động sản, nhà ở, xây dựng, tín dụng theo thông lệ, thực hiện công bố thông tin định kỳ; tăng cường số hóa thông tin, dữ liệu và tiến tới cho phép tra cứu công khai dữ liệu đất đai, dự án bất động sản; hỗ trợ phát triển tài chính bất động sản.
Bênh cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng cần hoàn thiện chính sách thuế và phí bất động sản để điều tiết thị trường hiệu quả hơn. Điều chỉnh mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho phù hợp thông lệ quốc tế và đồng bộ hóa chính sách thuế, phí bất động sản gắn với thuế, phí đất đai.
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Trong giai đoạn 2015 – 2020, thị trường bất động sản nhà ở đã có bước phát triển nhanh và ngày càng ổn định, lành mạnh cả về quy mô thị trường, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở và giao dịch. Trong giai đoạn này, tất cả các chủ thể tham gia thị trường về cơ bản đều được hưởng lợi, người tiêu dùng có nhiều cơ hội tạo lập được nhà ở, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát triển, Nhà nước thì tăng nguồn thu cho ngân sách. So với giai đoạn trước, giai đoạn 2015 – 2020 đã không còn các hiện tượng “đóng băng”, “trầm lắng” hoặc phát triển nóng (bong bóng) trên toàn thị trường mà chỉ xảy ra đối với một vài phân khúc là nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, đất nền dự án và cũng chỉ xuất hiện cục bộ một vài dự án của chủ đầu tư có uy tín và tại một số địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch. Chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản hiện nay đã lâu dài và ổn định hơn, hiện tượng phát triển nóng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm soát có hiệu quả”.
Tính đến đầu năm 2020, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010). Ngoài ra, còn có hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản đã được thành lập.
“Theo báo cáo của các địa phương trên cả nước, 9 tháng đầu năm 2020 đã có 79.600 giao dịch bất động sản thành công, tương đương lượng giao dịch năm 2019; có 242 dự án với 57.691 căn hộ được Sở Xây dựng các địa phương có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến ngày 30/9/2020 là hơn 606 ngàn tỷ đồng: FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng dần theo quý, từ 0,264 tỷ USD lên 2,35 tỷ USD tính cả 9 tháng là 3,2 tỷ USD”, Thứ trưởng Sinh cho biết thêm.
Khi bước vào đầu tư, doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc. Đầu tiên là tiền sử dụng đất. Trên thế giới trước khi quyết định đầu tư thì nhà đầu tư phải biết giá thành nhưng ở Việt Nam tiền sử dụng đất không biết là bao nhiêu. “Ẩn số” mang tên tiền sử dụng đất làm doanh nghiệp gặp khó để đi đến quyết định đầu tư.
Gần như bế tắc, tại Nam Long, vào năm 2017-2018 doanh nghiệp phát triển được 2.000 nghìn căn hộ mỗi năm nhưng đến giai đoạn 2019-2020 gần như bị tắc không thể triển khai sản phẩm ra thị trường.
Chủ tịch Nam Long cho biết, từ cơ chế để tính chi phí đầu tư, tiền đền bù giải phóng mặt bằng để làm sao ra được giá thành, cho đến cách triển khai xác định giá bán nhà ở xã hội cũng gặp vô vàn khó khăn mà doanh nghiệp không thể chủ động được.
“Khi làm việc với thành phố gặp khó khăn vì nhiều luật chồng chéo nhau, chúng tôi gõ cửa đại diện các bộ ngành nhưng lên gặp Bộ Xây dựng thì Bộ Xây dựng chỉ sang bộ Bộ Tài Chính, Bộ Tài Chính nói sang Bộ Tài Nguyên & Môi Trường rồi lại sang Tổng Cục Đất Đai, tức là đi một vòng mà vẫn không giải quyết được vấn đề”, ông Nguyễn Xuân Quang nói.
Hiện nay tại TP.HCM yêu cầu phải định giá tiền sử dụng đất thì mới cấp phép xây dựng. Tuy nhiên định giá tiền sử dụng đất là câu chuyện không dễ dàng. Vì vậy ông Trung kiến nghị cho doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất tương đương tiền công bố của thành phố ở khu vực đó và cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp. Sau đó sẽ định giá sau, như vậy sẽ giúp doanh nghiệp triển khai dự án nhanh hơn.
Ông Trung cũng kiến nghị Chính phủ cần định nghĩa lại thế nào là “đất công” phân biệt với “đất xen cài” không ai quản lý để có cơ chế cho phép chủ đầu tư được giao phần đất xen cài thực hiện dự án.
Phát biểu tại hội thảo, sau khi nêu ra hàng loạt những vướng mắc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, gần như có cả một “rừng” văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản, nhìn chung rất rườm rà phức tạp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, xung đột, như một ma trận làm nản lòng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.