Đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên thị trường bất động sản, nhưng trong kinh doanh bất động sản luôn có một quy luật, đó là khi khó khăn qua đi, thị trường sẽ tích cực hơn trước. Vì thế, thành công sẽ đến với nhà đầu tư chọn đúng điểm rơi, đón đầu sóng thị trường, bởi thực tế từng chứng kiến không ít nhà đầu tư sẵn sàng mạo hiểm bỏ vốn khi thị trường gặp khó khăn và hái quả ngọt khi thị trường hồi phục.
Có thể thấy, việc tìm nguồn vốn để duy trì, phát triển dự án của nhiều doanh nghiệp địa ốc đang càng trở nên bức thiết khi 3 quý vừa qua, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tích lũy, nhưng nay đã cạn kiệt.
Trong thời gian còn lại của năm 2020 cũng như trong quý I/2021, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ chứng kiến việc tái khởi động của nhiều dự án. Có thể mức độ ra hàng sẽ chưa nhiều, nhưng cũng là dấu hiệu khả quan. Thị trường bất động sản Việt Nam không những không sụp đổ mà còn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Trong năm tới, điểm sáng sẽ xuất hiện nhiều hơn, tạo ra những thay đổi mang tính bản lề, làm tiền đề phát triển cho một chu kỳ mới.
Ngoài ra, bất động sản vẫn được coi là một cách để cất giữ tài sản tương đối an toàn. Các chuyên gia tin tưởng rằng, ngoài mua để ở thì người dân vẫn lựa chọn đầu tư tiền vào bất động sản. Phân khúc nhà ở trung cấp, vừa túi tiền sẽ tiếp tục phát triển. Điều này đã được chứng minh từ các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản năm 2008, 2011.
Bộ Xây dựng tổng hợp cho biết, trong quý III/2020, toàn quốc có 36.884 giao dịch bất động sản thành công, trong đó TP.HCM đạt 6.722 giao dịch, tăng 70,6% so với quý II và Hà Nội đạt 2.966 giao dịch, tăng 119%.
Chia sẻ về tình hình nhu cầu nhà ở tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, không tính các thành thị đang tăng trưởng, chỉ tính riêng tại hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội, nhu cầu nhà ở đang rất lớn. Tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng dân số trung bình hiện là 2,2%, ở TP.HCM con số này là 2,3%. Mỗi năm Hà Nội cần phát triển ít nhất 67.333 đơn vị nhà ở có diện tích trung bình 70m2 và TP.HCM là 57.363 đơn vị.
Theo ước tính, phân khúc nhà ở cho các gia đình hạt nhân luôn tăng đều đặn khoảng 20% mỗi năm tại các thành phố có tốc độ đô thị hóa hàng đầu thế giới như TP.HCM, Hà Nội. Do đó, bất chấp dịch bệnh hay biến cố nào xảy ra với kinh tế vĩ mô, nhu cầu mua nhà để ở là không thay đổi.
Thực tiễn khảo sát cho thấy, nhu cầu căn hộ chung cư tại TP.HCM vẫn chiếm tỷ lệ lớn bởi các nguyên nhân sau: Căn hộ chung cư có hạ tầng tương đối đồng bộ, tận hưởng những tiện ích và dịch vụ hiện hữu mang lại như: siêu thị, coffee, khu vui chơi trẻ em, công viên cây xanh, ngân hàng, trường học, nhà thuốc, bể bơi, phòng tập thể dục thẩm mỹ, sân đánh tennis, bóng đá, hồ cảnh quan… Cuộc sống văn minh hơn, an ninh tốt hơn do được bảo vệ 24/24 và khách hàng dễ mua chung cư với hỗ trợ của ngân hàng…
Riêng quý III/2020 có 7.197 căn hộ chào mới, giao dịch 5.406 căn hộ. Nguồn cung mới có sự tụt giảm mạnh mẽ so với hai năm trước đó, chỉ bằng 80% so với năm 2018 và bằng 70% so với năm 2019. Mức giá bán dao động từ 30 – 50 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020). Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại Thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao.
Từ cuối tháng 8/2020 đến nay, các sự kiện giới thiệu dự án trực tiếp tại nhiều sàn bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM đã trở nên nhộn nhịp và thường xuyên hơn với trung bình 1 sự kiện/tuần/sàn, thậm chí có sàn tổ chức 2-3 sự kiện/tuần.
Theo Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhiều năm trước, giá nhà ở các đô thị lớn ổn định, đi lên rất thấp, mỗi năm nhích 2 – 3%. Nhưng hiện tại, giá nhà tại TP.HCM đang tăng đột biến, có những dự án trong năm 2019 tăng lên khoảng 10 -15%.
Ông Đính cho rằng khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh lực cầu mạnh tại đô thị đang là nguyên nhân chính làm tăng giá căn hộ chung cư tại TP.HCM. Tuy nhiên, khan hiếm nguồn cung không phải do không còn dư địa phát triển mà là tạm thời ngưng phát triển từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông đặc biệt nhấn mạnh: “Giá nhà ở hiện nay tại TP.HCM đang vượt khỏi khả năng chi trả của người thu nhập trung bình – thấp và đối tượng chính sách. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, nhất là phân khúc bình dân, dẫn đến giá nhà tăng, người dân khó có cơ hội sở hữu nhà ở với giá 1,5 tỷ đồng trở lại”.
Được nhận định là trung tâm kinh tế lớn và là thành phố đông dân cư nhất cả nước, TP.HCM đang đứng trước một thực tế là nhu cầu mua nhà ở cao nhưng lượng cung ngày càng nhỏ giọt. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhu cầu thị trường bất động sản vẫn có diễn biến theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt nhu cầu mua nhà ở của cư dân tại TP.HCM không có dấu hiệu giảm.