BĐS công nghiệp “vượt dịch” thành công phần lớn dựa vào sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Đặc biệt, trong hai năm 2019 – 2020, đại dịch Covid-19 và thương chiến Mỹ – Trung, còn trở thành chất xúc tác, thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn.
Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá tốt và dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, có thể đạt mức 6,5 – 7% giai đoạn 2021 – 2025. Vì vậy nhu cầu tìm kiếm thuê đất mở nhà máy, công xưởng luôn tăng trưởng hàng năm. Xu hướng chuyển dịch đầu tư rời khỏi Trung Quốc đã hình thành trong những năm gần đây và dịch Covid-19 là chất xúc tác thúc đẩy tiến trình này. Việt Nam là một ứng viên sáng giá trong khối ASEAN và Ấn Độ do kiểm soát tốt dịch bệnh, nguồn nhân công giá rẻ hơn và gần Trung Quốc tiện cho chuyển dịch.
Dự báo về tiềm năng của phân khúc này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, 5 năm tới sẽ là giai đoạn để BĐS công nghiệp đón nhiều vận hội mới nhờ xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về Việt Nam.
Đặc biệt, phân khúc nhà ở cho công nhân khu công nghiệp sẽ rất lớn. Những địa phương có nhiều tiềm năng là: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng. Ở phía Nam: các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Tiền Giang…
Khi nguồn cầu vẫn liên tục tăng trong bối cảnh thiếu nguồn cung, thị trường có hiện tượng giá đất công nghiệp tăng, điển hình tại TP. Hồ Chí Minh đạt 147 USD/m2 và tỉnh Long An đạt mức 123 USD/m2. Tại Hà Nội, giá đạt mức 129 USD/m2 và Bắc Ninh đạt 95 USD/m2.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam lưu ý, sự phục hồi và mở rộng hoạt động kinh tế của doanh nghiệp trong nước cũng là một trong những nguồn cầu chính để phát triển BĐS công nghiệp thời gian tới.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước, cấp phép đầu tư nên sàng lọc các nhà đầu tư có nguồn vốn mạnh và có khả năng liên kết kinh doanh tốt, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém để phát triển BĐS công nghiệp bền vững trong trung và dài hạn.
Mặc dù nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, thế nhưng hoạt động của lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam có xu hướng được mở rộng.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép của COVID đợt 2 và tháng “Ngâu” nhưng thị trường vẫn có phản ứng tích cực thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 400% so với quý II/2020.
Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng dần theo quý, từ 0,264 tỷ USD trong quý I lên 0,536 tỷ USD và 2,35 tỷ USD trong quý III/2020. Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam nói chung.
Diễn biến thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, trong quý III/2020 các doanh nghiệp tiếp tục đổ dồn mối quan tâm vào bất động sản công nghiệp và đón “sóng” nhiều hơn sự đầu tư của các tập đoàn nước ngoài.
Theo CBRE, tính đến quý 3/2020, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh thành phố công nghiệp chính miền Bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 13.800 ha, với 9.600 ha đất công nghiệp cho thuê. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của khu công nghiệp duy trì ở mức tích cực 79%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%.
Đối với thị trường Miền Nam, tổng diện tích đất công nghiệp gấp đôi thị trường miền Bắc, đạt mức khoảng 38.000ha trong đó 24.000ha đất công nghiệp cho thuê bao gồm Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu với mức tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 77%.
Quỹ đất phát triển khu công nghiệp Việt Nam đang rất hạn hẹp, quỹ đất có hạ tầng giao thông tốt còn hạn chế hơn. Nếu muốn lấy đất mở rộng các khu công nghiệp cũng gặp rào cản.
Các chuyên gia của Savills cũng cho rằng, nhu cầu tiếp tục vượt cung với tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp đạt 76% trên toàn quốc, nhu cầu cho phân khúc này là rất lớn ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm.
Hầu hết các giao dịch cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo diễn ra từ 2019, trong khi nhiều hợp đồng thuê cũng được thực hiện từ các công ty đã ở Việt Nam và muốn mở rộng sản xuất.
Dự kiến trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, đây là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao.