Tại buổi tiếp xúc sáng 21/11 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị số 7) với cử tri quận 9 sau kỳ họp Quốc hội thứ 10, khóa XIV sáng 21/11, các cử tri đã có những trao đổi về hai vấn đề nóng đang nhận được nhiều sự quan tâm đó là Thành lập thành phố Thủ Đức và chính quyền đô thị.
Về vấn đề Thành lập thành phố Thủ Đức, cử tri Đặng Thị Hà (phường Tân Phú) tỏ ra băn khoăn khi chất lượng các dịch vụ hành chính công sau khi sát nhập sẽ tiến hành chậm trễ do lượng cán bộ giảm. Ngoài ra cử tri cũng cho rằng việc bỏ HĐND cấp quận, phường, sẽ tạo áp lực rất lớn cho mặt trận tổ quốc phường, xã. Do đó, chính quyền cần có biện pháp hỗ trợ để các mặt trận cấp cơ sở có đủ trình độ giải quyết nhanh các nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trả lời cử tri. Ảnh: Thu Hằng. |
Cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú A) cho rằng khi bỏ HĐND cấp quận, phường, trách nhiệm giám sát chỉ còn tập trung vào đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội. Do đó, bà đề nghị cơ quan dân cử cần thay đổi, phân công trách nhiệm từng đại biểu, không để tình trạng chung chung. Để lắng nghe ý kiến của dân, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cần công khai các thông tin liên hệ để dân kết nối khi cần.
Cử tri Nguyễn Thị Tâm (phường Hiệp Phú) cho biết từ khi có thông tin thành lập TP Thủ Đức, giá nhà đất quận 9 tăng vọt. Nếu thành phố này được thành lập dân cư sẽ đông lên, liệu trường học, bệnh viên, giao thông… có đáp ứng đủ nhu cầu của người dân? Chính vì vậy abf đề nghị chính quyền cần có chính sách hạn chế sự tăng dân số cơ học nhằm đảm bảo xây dựng TP Thủ Đức theo chuẩn đã đặt ra.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các cử tri, đại diện tổ đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), cho biết khi nghiên cứu thiết kế TP Thủ Đức, chính quyền đã tổ chức thi tuyển quốc tế quy hoạch 3 quận thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao.
“Mục tiêu là phát triển khu vực này thành nơi có hệ thống giao thông tốt nhất, thuận tiện nhất thành phố”, ông Nhân nhấn mạnh.
Việc hoàn thiện giao thông theo ông cần phải có quy hoạch mới để mang đến hình ảnh về “thành phố mẫu mực”. Ông dẫn chứng TP Thủ Đức có cảng vận tải hàng hóa lớn nhất phía Nam, có kết nối tàu điện ngầm lên khu Suối Tiên, sau này còn nằm giữa 2 sân bay. Đặc biệt trong tương lai, TP Thủ Đức có thể sẽ là nơi thử nghiệm xe không người lái.
Về vấn đề quyền dân chủ của nhân dân, ông Nhân cho biết, thành phố đã thí điểm mô hình này từ năm 2009 đến 2016 và có nhiều cơ chế cho nhân dân phản ánh. Quốc hội cũng đã có nghị quyết cho phép TP.HCM tăng số đại biểu chuyên trách lên 19 người. Bên cạnh đó, các chương trình giám sát của HĐND TP sẽ phân cho từng quận, phường để các đại biểu trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát. HĐND TP cũng sẽ kết hợp với Mặt trận tổ quốc để giám sát, kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra và phản ánh của người dân.
Ông Nhân nhấn mạnh ý nghĩa của hệ thống phản ánh tại mỗi quận, phường đến quá trình giám sát, đồng thời nhận định các mặt thuận lợi khi thực hiện việc bỏ HĐND cấp quận đó là giúp chính quyền giải quyết nhanh hơn, tốt hơn khi giảm bớt được nhiều công đoạn và thúc đẩy quá trình giám sát. Chủ tịch UBND quận, phường sẽ do Chủ tịch UBND TP quyết định bổ nhiệm thay vì do dân bầu như trước kia.
Theo ông Nhân, việc này có thể giúp Chủ tịch UBND TP lập tức bã nhiễm ở những thời điểm cần thiết nếu có sai phạm, khiến cho công tác quản lý cán bộ tốt hơn.
Với việc công khai thông tin liên hệ của đại biểu, ông Nhân cho biết sẽ thảo luận với đoàn đại biểu về phương án phù hợp và sớm công khai với cử tri.