Thị trường hiện tập trung vào nhà cao cấp do đó nhà dưới 20 triệu đồng/m2 vắng bóng trên thị trường đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM. Chính vì vậy, những người thu nhập thấp, công nhân khó tiếp cận nhà ở.
Bước sang quý 3 năm 2020, theo khảo sát số liệu từ các Sở Xây dựng, đợt dịch này có tác động cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và tạo ra tâm lý thận trọng, làm chậm lại đà phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản các tỉnh khu vực miền Trung cũng như trên cả nước.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, bên cạnh những khó khăn thị trường do dịch bệnh thì giá nhà cao cũng khó khăn trong thanh khoản.
“Qua thống kê của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, chưa có xu hướng giảm giá nhà. Đơn cử, giá chung cư bình dân ở Hà Nội hiện cũng giao động từ 22 – 25 triệu đồng/m2” – ông Bùi Văn Doanh cho biết.
Còn theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, quý 3 năm 2020, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24% so với quý 2 năm 2020 (trong đó, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,07%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,44%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,02%).
Đối với nhà ở riêng lẻ quý 3 giá tăng khoảng 0,03% so với quý 2 năm 2020. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông… tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, đạt khoảng 70%.
Tại TPHCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với quý 2 năm 2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,16%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,85%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,26% so với quý 2 năm 2020.
Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại Thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền nên tại các huyện ven đô. Tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số huyện như: Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi…
Tại TP.HCM, trong 3 năm trở lại đây, giá căn hộ ở các quận huyện vùng ven đã lên mức 1,5-1,7 tỉ đồng một căn. Trong 10 tháng đầu năm 2020, các dự án nhà ở mới được chào ra thị trường thậm chí đã vọt lên ngưỡng trên 30 triệu đồng/m2; thậm chí là 40 triệu đồng/m2 dù chỉ là dự án ở ở các quận huyện ngoại thành. Điều này khiến căn hộ bình dân hay còn gọi là nhà ở giá rẻ tại TP.HCM dường như đã biến mất trên thị trường và giá thì ngày càng đội lên cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, giá nhà ở hiện chưa ổn định, không phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người mua. Hiện tại, nhà nước vẫn chưa giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Trong khi nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa phù hợp nhu cầu thị trường thì nhà ở giá rẻ gần như “biến mất”.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết trong 10 tháng năm 2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Điều này đã làm sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Đặc biệt, thị trường còn có tình trạng lệch pha cung – cầu về sản phẩm, thể hiện ở việc thiếu nhà ở thương mại vừa túi tiền và thừa nhà ở cao cấp hay các sản phẩm lưu trú du lịch. Ông Châu cho rằng sự lệch pha cung cầu này đang khiến áp lực nhà ở tại TP.HCM ngày càng khốc liệt đối với người dân đô thị, nhất là nhóm người trẻ, có thu nhập khiêm tốn hoặc đối tượng xếp ở nhóm dưới của tầng lớp trung lưu.
Động thái siết chặt việc cấp phép dự án của cơ quan chức năng và tín dụng bị kiểm soát khiến các thị trường nhà ở trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM khan hiếm dự án mới, nguồn hàng mới. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nhà bị đẩy lên cao. Số liệu của Hội Môi giới Bất động sản cho biết tại thị trường Hà Nội trong khoảng thời gian 2-3 năm trở lại đây, trung bình nguồn cung mới ra thị trường chỉ đạt khoảng hơn 2.000 sản phẩm/quý. Đây là con số quá nhỏ cho một thành phố có gần mười triệu dân. Cũng theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung và cao cấp gần như không có biến động. Thậm chí, có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp.
Đáng chú ý, tại nhiều dự án ven đô, có vị trí xa trung tâm, mặt bằng giá tiếp tục thiết lập mức cao ngất ngưởng. Mới đây nhất, theo đại diện của Savills, thị trường tiếp tục ghi nhận một số dự án bất động sản nhà ở tại vùng ven đô đang có giá dự kiến khoảng 50-60 triệu đồng/m2 cho chung cư và 200-300 triệu đồng/m2 cho shophouse. đây là lần đầu tiên các khu vực vùng ven Hà Nội có mức giá cao so với các dự án nằm trong khu vực giữa vành đai 2 và vành đai 3.
Trong một báo cáo gần đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận, giá nhà ở Việt Nam hiện nay chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Tình trạng lệch pha cung cầu diễn ra ngày càng rõ rệt, nhà giá cao đang dư thừa; trong khi nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) lại rất thiếu, dù chiếm tới 70-80% nhu cầu thị trường. Theo ghi nhận từ các sàn giao dịch BĐS, hầu hết dự án mở bán trong 9 tháng đầu năm tại Hà Nội đều có giá trên 30 triệu đồng/m2. Các dự án ở nội đô còn ở mức từ 45 đến hàng trăm triệu đồng/m2.
Nhà giá rẻ, ai cũng mong muốn để sở hữu, nhất là những gia đình có thu nhập trung bình thấp để an cư lạc nghiệp.