Hoạt động kinh doanh thua lỗ, nguồn tiền mặt của Vietnam Airlines cũng giảm mạnh thời gian qua từ 1.743 tỷ hồi đầu năm xuống còn hơn 802 tỷ cuối ngày 30/9.
Luỹ kế 9 tháng năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lên đến 10.504 tỷ đồng. Đúng như với dự báo mà ban lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra hồi giữa năm 2020.
Nguồn thu sụt giảm mạnh, để cân đối bài toán dòng tiền, một mặt Tổng công ty phải giảm lương, cắt giảm việc làm, mặt khác phải gia tăng nợ vay. Tính đến hết ngày 30/9/2020, nợ phải trả 55.759 tỷ đồng, cao gấp 8,4 lần vốn chủ sở hữu (6.610 tỷ đồng). Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tính đến 30/9 là hơn 11.684 tỷ đồng, tăng 79,5% so với hồi đầu năm, tương đương tăng 5.177 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn 27.871 tỷ đồng. Tổng hợp các khoản vay và nợ thuê tài chính của Vietnam Airlines tính đến thời điểm 30/9 là 39.555 tỷ đồng, tăng gần 24% so với hồi đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, chi phí tài chính mà Vietnam Airlines phải chi trả là 1.386 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay hơn 725 tỷ đồng. Tiền gửi ngắn hạn của Tổng công ty đã giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng về còn 656 tỷ đồng.
Gần đây, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, đơn vị này đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu Vietnam Airlines và báo cáo Ủy ban Quản lý vốn, báo cáo Chính phủ để đảm bảo tăng vốn là một những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu Vietnam Airlines. Các bước chuẩn bị được khẩn trương thực hiện suốt thời gian qua và đến nay, SCIC đã sẵn sàng cho việc đầu tư vào Vietnam Airlines.
Theo nhu cầu tăng vốn mà Vietnam Airlines xây dựng, Tổng công ty có nhu cầu bổ sung hơn 10.000 tỷ đồng thông qua hai nguồn tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. SCIC sẽ tham gia mua cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines.
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu giảm 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 32.410 tỷ đồng, thua lỗ 10.675 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ lỗ 10.471 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không đồng tình với ý kiến này, một số khác cho rằng giải cứu Vietnam Airlines cũng phải tính đến các doanh nghiệp khác như VietJet Air, Bamboo Airways để đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh, không mang tính phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế khác nhau.
Vốn dĩ, doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines đã có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân như sở hữu thương hiệu quốc gia được xây dựng từ lâu đời, có nhiều doanh nghiệp hậu thuẫn phía sau như công ty kinh doanh dịch vụ, vận tải sân bay. Nếu cho Vietnam Airlines vay 12.000 tỷ đồng nghĩa là sẽ có thêm nguồn lực để chi trả các chi phí khác, hoặc cũng có thể dùng vào mục đích giảm giá vé, cạnh tranh với các hãng hàng không khác…
“Các hãng đang phải đối mặt với tình trạng âm dòng tiền, phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ cho các hãng hàng không Việt Nam theo tỷ lệ thị phần hàng không quốc tế của nước ta mà hoạt động có lãi trong những năm qua”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nói.