Cần hoàn chính khung pháp lý để phát triển các khu công nghiệp, tăng cường quản lý và đổi mới, cũng như nâng cao hiệu quả quy hoạch tổng thể.
Ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam đang ở vào vị trí có thể chọn lựa các nhà đầu tư chất lượng cao và “bộ lọc” ở các địa phương là rất quan trọng.
Trong khi đó, nhìn nhận thành công trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 như một cơ hội lớn, trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch thương mại ngày càng tăng, xu hướng thương mại song phương được cổ vũ thì niềm tin của các nhà đầu tư về năng lực điều hành quốc gia trở nên rất quan trọng.
Trong những ngày gần đây, một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… đã bắt đầu mở chuyến bay quốc tế, trong đó Việt Nam luôn là cái tên đầu tiên được đề cập trong danh sách đối tác mở đường bay, điều này tạo nên những tác động rất tích cực cả về thực chất và hình ảnh quốc gia.
Theo báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 của Savills Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động của lĩnh vực công nghiệp vẫn xoay quanh việc các công ty nội địa mở rộng hoặc di dời địa điểm sản xuất do sự hạn chế đi lại cũng như tiếp xúc.
Mô hình Trung Quốc +1 ngày càng được các nhà sản xuất hướng đến và mô hình này dẫn đến nhu cầu lớn hơn về địa điểm cho ngành công nghiệp.
“Các tập đoàn, chủ đầu tư sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm cho ngành công nghiệp, đặc biệt, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ trở thành “đứa con đại diện” cho ngành bất động sản trong tương lai, bởi, nhu cầu và hoạt động trên thị trường ngày càng tăng”, Savills Việt Nam dự báo.
Qua đó, để thu hút các nhà đầu tư, Savills cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đến nhiều yếu tố, trong đó, phải đảm bảo được nguồn cung lao động, bởi các ngành có giá trị gia tăng thấp sẽ tiếp tục gặp khó khăn với giá thuê và chi phí lao động tăng và để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ, chủ yếu đầu tư vào: Giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc.
Yếu tố thứ 2 là nguồn cung đất, theo Savills Việt Nam, Vụ Quản lý các Khu kinh tế (DEZM) công bố đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án khu công nghiệp sắp tới với diện tích trên 201.000 ha. Trong số này, 259 khu sử dụng 86.500 ha vẫn chưa được thành lập và chiếm 43,1% tổng diện tích mới.
Do đó, cần hoàn chính khung pháp lý để phát triển các khu công nghiệp, tăng cường quản lý và đổi mới, cũng như nâng cao hiệu quả quy hoạch tổng thể. Đồng thời, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: Khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp…
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN cho rằng, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm tới, những tín hiệu tích cực với thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng sẽ trở nên rõ nét hơn. Sau những bước thăm dò, đánh tiếng, các tập đoàn sản xuất lớn sẽ có các bước đi cụ thể đầu tư vào Việt Nam. Theo ông Thành, những tác động của EVFTA, các quy định mới mang tính cởi mở hơn của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản công nghiệp, cũng như phát triển nền công nghiệp sản xuất.
Theo Savills Việt Nam, trước đây, các nhà sản xuất không thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam do chuỗi cung ứng địa phương còn yếu kém. Tuy nhiên, bây giờ các công ty có vốn FDI không chỉ thành lập nhà máy mới ở Việt Nam mà còn có động lực lớn hơn để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng địa phương.
Ưu thế của miền Bắc đó là mạng lưới giao thông phát triển, vị trí chiến lược của những vùng đất công nghiệp mới đi kèm các dự án cơ sở hạ tầng mới. Cùng với đó là sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc đổ về, tập trung các ngành công nghiệp nặng.
Trong khi đó, tại miền nam lại mang ưu thế của trung tâm kinh tế và công nghiệp của cả nước với các cảng lớn gần được giao thông quốc tế trên biển, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo lao động có kỹ năng cao, đa dạng lĩnh vực sản xuất.
ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp, Công ty CBRE Việt Nam đã có những đánh giá cũng như dự báo về triển vọng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế thì chủ yếu tập trung vào các nguồn chủ lực là đất cho thuê, nhưng nguồn cung đất công nghiệp trong quý III/2020 lại có những dấu hiệu chững lại. Cụ thể, tại một số tỉnh thành phía Bắc như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… nguồn cung đất công nghiệp cho thuê chỉ xấp xỉ khoảng 9.600ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 79%. Còn tại một số tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, nguồn cung đất công nghiệp cũng chỉ giao động khoảng gần 24.000ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 76,7 %.
Tuy nhiên, trái ngược với nguồn cung của đất công nghiệp thì nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn trong quý III/2020 lại có chiều hướng tăng trưởng.
Đại diện CBRE Việt Nam cho biết, đơn cử như tại miền Bắc, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn trong quý III/2020 có khoảng 2,1 triệu mét vuông, tăng 25,3 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực Miền Nam, diện tích nhà kho xây sẵn chiếm khoảng 2,7 triệu mét vuông, tăng 28,2 % so với năm ngoái; nhà xưởng xây sẵn là khoảng 2,9 triệu mét vuông, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019.
“Nguồn cung mới gia tăng mạnh ở các khu vực công nghiệp trọng điểm. Theo đó, giá chào thuê đất và nhà kho trong thời gian qua cũng tăng mạnh”, ông Hiếu nói và cho biết, giá chào thuê đất đều tăng 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Hiếu cho biết, khi đặt nhà máy tại Trung Quốc thì các doanh nghiệp phải đối mặt với những áp lực như chi phí lao động tăng cao, pháp lý thắt chặt, kèm với đó là những biến cố khó lường. Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng là bởi sở hữu vị trí liền kề, cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, hoàn thiện đáng kể.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam trở thành điểm sáng khi sở hữu nhiều lợi thế về vị trí, hạ tầng… Ngoài ra, còn có các hiệp định thương mại tự do, ưu đãi đầu tư.