Một cơ sở cho xu hướng tăng giá nhà là sự cải thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng. Thực tế cho thấy hạ tầng được triển khai kéo gần khoảng cách giữa các khu vực vùng ven với đô thị lớn khiến giá BĐS không chỉ vùng đô thị mà cả vùng rìa đều tăng nóng qua các năm.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua. Giai đoạn 2013 -2018 mức độ tăng trưởng người giàu tại Việt Nam là 23%, giai đoạn 2018 -2023 con số này dự kiến lên đến 28%. Mức độ tăng trưởng dân số siêu giàu có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên của Việt Nam 2018 -2023 có thể lên đến 31%, thêm 3% chỉ sau chi kỳ 5 năm.
Thị trường BĐS Việt Nam được dự đoán sẽ xuất hiện ngày càng nhiều loại hình căn hộ cao cấp, hạng sang khi tốc độ tăng trưởng người giàu ngày càng nhanh.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 suốt từ đầu năm nhưng nhìn chung thị trường bất động sản Hà Nội vẫn không có nhiều động thái giảm giá, thậm chí một số dự án giá còn tăng cục bộ.
Theo báo cáo của Savills, thị trường nhà ở là phân khúc ổn định. Quá trình đô thị hóa, tăng trưởng dân số mạnh mẽ và quy mô hộ gia đình giảm tạo ra nguồn cầu về nhà ở. Tính đến 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 37% thấp hơn so với các nước Đông Nam Á (50%) và Châu Á (51%). Tốc độ đô thị hóa chậm cho thấy tiềm năng lớn cho sự phát triển trong tương lai.
Dân số Việt Nam đạt 96 triệu người trong năm 2019 và dự kiến đạt 120 triệu vào năm 2050 với tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 57%. Tầng lớp trung lưu hiện chiếm 13% dân số và được dự đoán sẽ lên mức 26% vào năm 2026.
Tổng số hộ gia đình tăng 1,8% mỗi năm trong giai đoạn 2009-2019. Mỗi hộ dân trung bình có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người so với 2009.
Theo nhận định từ giới chuyên gia, giá BĐS tại Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng vì nhiều lý do, có thể kể đến như khan hiếm nguồn cung, quỹ đất phát triển thu hẹp, giá đất phát triển dự án tăng ảnh hưởng đến tổng chi phí đầu tư của các dự án mới. Ngoài ra, môi trường kinh tế vĩ mô dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn khá lạc quan so với các nước trong khu vực, lãi suất vay vẫn giữ ở mức thấp… Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và người mua BĐS lại đang kỳ vọng ngược lại, với tâm lý chờ đợi giá BĐS giảm.
Việt Nam là một thị trường BĐS đặc biệt, ở đó tài sản gắn liền với đất trong ý thức hệ của người dân là hàng hóa thiết yếu của cả một đời người. Mảnh đất cần thiết như các mặt hàng nhu yếu phẩm, xếp ngang hàng với nhu cầu ăn, mặc là nhu cầu ở. Điều này tạo nên kịch bản tích trữ đất, gom đất và ôm đất càng nhiều càng tốt. Do nhu cầu tăng lên trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến tài sản này ngày càng khan hiếm.
Thông thường, cái gì khan hiếm thì giá cao, lập đỉnh và rất khó quay trở về vùng đáy trước đó. Nếu điều kiện kinh tế và chính trị ổn định trong trung và dài hạn, giá BĐS khó có chuyện đi xuống.
Đối với thị trường Tp. Hồ Chí Minh, sự sụt giảm nguồn cung vẫn là trở lực lớn và gần như là hàng đầu của lĩnh vực bất động sản. Trên thực tế, thị trường Tp. Hồ Chí Minh trên đà giảm rõ rệt do thị trường điều chỉnh cơ cấu và biến động bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, khu Đông tiếp tục thu hút nhà đầu tư và người mua để ở, đây cũng là khu vực duy trì thị trường trọng tâm cho Tp. Hồ Chí Minh trong những năm tới. Dự báo từ nay đến cuối năm, nguồn cung tăng nhẹ; trong đó, có Tp. Hồ Chí Minh và đến năm 2021 thành phố sẽ đạt 17.500 căn hộ với tỉ lệ chào bán thành công có thể lên tới 16.000 căn.
Các xu hướng chính từ 2020 trở về sau đối với thị trường Tp. Hồ Chí Minh, có thể kể đến như khu vực phía Đông là hướng phát triển chính, phát triển quỹ đất đa dạng… Song song đó, hầu hết dự án sẽ cải tiến sản phẩm theo hướng thay đổi cơ cấu, diện tích sản phẩm, hành thang, thang máy rộng hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển DKRA Vietnam thì giá bán bất động sản sơ cấp tại một số khu vực ghi nhận mức tăng khá cao, trung bình dao động từ 10-15% so với thời điểm đầu năm 2020.
Khảo sát thực tế thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh, mức giá đang bị đẩy xa với mức thu nhập cũng như tích lũy của lượng khách hàng chủ đạo có nhu cầu sở hữu nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh. Những tháng tiếp theo của năm 2020 và năm 2021 giá bất động sản sẽ còn tiếp tục tăng, lượng hàng tôn kho sẽ tiếp tục tăng vì tác động giá nhà cũng như xu hướng dịch chuyển nhu cầu mua nhà của người dân TP. Hồ Chí Minh ra các tỉnh thành lân cận TP. Hồ Chí Minh bởi giá nhà tại các tỉnh này đang thấp, dòng sản phẩm cũng đa dạng và phong phú hơn.
Bước vào quý 4/2020, thị trường bất động sản đang được kỳ vọng là thời điểm nóng nhất kể từ đầu năm khi các tập đoàn bất động sản lớn ồ ạt ra hàng cùng những ưu đãi kích cầu lớn.
Những tháng cuối năm cũng là lúc cao điểm lượng kiều hối từ nước ngoài đổ về Việt Nam. Cùng với đó mức lãi suất cho vay ngân hàng xuống thấp đã khiến dòng tiền chảy mạnh sang kênh đầu tư BĐS. Đồng thời, nhiều ngân hàng hiện nay cũng kết hợp với các chủ đầu tư tung ra hàng loạt các ưu đãi hấp dẫn cho người vay tiền mua nhà ở. Vì vậy, lượng giao dịch thị trường BĐS mùa cuối năm sẽ có nhiều khởi sắc và thuận lợi.