Để tiến hành công tác rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai tại các mô hình farmstay trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tham mưu có biện pháp quản lý, giải quyết bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện.
Sau những phản ánh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có ý kiến chỉ đạo nêu rõ: “Mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) nở rộ với nhiều hình thức mới, nhưng vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và phần lớn các dự án farmstay có nguồn gốc đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm. Cần sớm nghiên cứu để ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình farmstay, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh”.
Theo văn bản văn số 9684/VP-ĐT mới đây của TP Hà Nội, để tiến hành công tác rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai tại các mô hình farmstay (nếu có) trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tham mưu có biện pháp quản lý, giải quyết bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện.
Theo đó, đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Hà Nội đề nghị kiểm tra, chỉ đạo theo những nội dung: Kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại các mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng; Xác định các khu có vi phạm pháp luật đất đai, làm rõ từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ để xử lý kịp thời theo đúng quy định; Các khu chưa có vi phạm pháp luật đất đai hoặc có vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý, chưa có trong quy định của pháp luật đất đai để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các trường hợp có thể xảy ra vi phạm (nếu có) và có hướng nghiên cứu đánh giá đối với các mô hình nêu trên để đề xuất phương án quy hoạch hoặc biện pháp xử lý phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp quản lý phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, ghi nhận từ khoảng giữa năm 2019, mô hình farmstay đã xuất hiện tại Hà Nội dưới hình thức bán đất trang trại nghỉ dưỡng, có nghĩa là một sản phẩm lai kết hợp giữa hai từ farm (nông trại) và homestay (khu lưu trú địa phương). Đây là mô hình đầu tư được các chủ đầu tư giới thiệu giúp sinh lợi từ việc khách hàng sở hữu nông trại và kinh doanh homestay.
Tùy vào mức độ đầu tư, khách hàng sẽ hưởng lợi ích từ mô hình trồng rau sạch có chuyển giao công nghệ hiện đại, dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa khách hàng và chủ đầu tư với nông trại đó với một mức cam kết lợi nhuận nhất định mỗi năm.
Trước đó, theo phản ánh của báo chí, tại các địa phương du lịch như Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, chủ đầu tư đưa ra cam kết cho khách mua mức lợi nhuận 50 triệu đồng mỗi năm.
Một số khu vực khác như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Long An, TP.HCM,.. cũng xuất hiện các dự án farmstay với lợi nhuận cam kết 15-20% mỗi năm.
Gần đây, việc “bỏ phố về vườn” xây dựng các homestay, farmstay đang nổi lên như một xu hướng thuận theo tự nhiên, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân.
Du lịch nông nghiệp là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới triển khai. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch.
Dự báo trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích khi xu hướng xanh và xu hướng xanh đồng bộ ngày càng chiếm vai trò quan trọng. Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ.