Dù còn diễn ra tình trạng khan nguồn cung mới, nhưng thị trường BĐS đã có những điểm sáng lạc quan trong dài hạn. Trong đó, có những thay đổi về chính sách, hành vi của người mua nhà, nhất là sau thời điểm dịch Covid-19 diễn ra.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đều nhận định thị trường này vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, được thể hiện ở các yếu tố như: nhu cầu về các loại hình bất động sản, bao gồm nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong các khu công nghiệp bất động sản du lịch nghỉ dưỡng… vẫn còn lớn. Về lâu dài, sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện để phát triển đô thị và thị trường bất động sản đồng bộ, bền vững hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.
Dự kiến kể từ ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực sẽ tháo gỡ được một số điểm nghẽn của thị trường bất động sản. Đồng thời, theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, thì năm 2021 sẽ sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và xem xét Đề án sửa đổi Luật Đất đai.
Nhiều chuyên gia trong ngành vẫn có cái nhìn lạc quan về thị trường BĐS trong trung dài hạn trong bối cảnh lực cầu trên thị trường vẫn còn khá lớn. Ngay cả phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là BĐS nghỉ dưỡng cũng được dự báo lạc quan trong thời gian tới.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills cho rằng, về tổng quan toàn thị trường, vẫn có những đánh giá khả quan và tích cực, đặc biệt tại các khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…với những dự án quy mô lớn, đa dạng sản phẩm đầu tư và đơn giản hóa thủ tục giấy tờ sở hữu.
Ngoài ra, với những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, rừng vàng biển bạc, hệ thống giao thông đi lại ngày một được cải thiện, chính sách đầu tư thông thoáng và tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Việt Nam đang có những lợi thế riêng có so với các nước trong khu vực về việc thu hút nguồn vốn cho ngành du lịch và phân khúc đầu tư BĐS du lịch.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi căn bản nền kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản, thay đổi cả về nhận thức và hành vi của xã hội.
Giá bất động sản không ngừng leo thang đã khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng khó khăn với người trẻ có mức thu nhập từ 15-30 triệu đồng mỗi tháng. Do đó, để mua được nhà tại Thành phố, người trẻ cần phải có chiến lược và tính toán cụ thể, nếu không sẽ rơi vào khủng hoảng nợ vì mua nhà.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, trong 3 quý đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số dự án đã phải giảm giá bán nhưng tình trạng nhà đất vẫn “ế” trầm trọng.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, xét trên thực tế hiện nay, nguồn cung từ các doanh nghiệp không quá dồi dào, khi nhiều dự án tạm dừng để rà soát pháp lý. Đồng thời, quỹ đất tại các khu vực trung tâm nội đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng đều đang “cạn kiệt”, nên các dự án này ra hàng nhưng chưa thanh khoản được chỉ là bước tạm thời. Các doanh nghiệp không nên lo “ế”, vì một vài năm nữa, nguồn cung còn khan hiếm hơn.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu ở thật cũng chưa mạnh dạn xuống tiền do vẫn lo ngại dịch Covid-19 quay trở lại, thị trường ảm đạm sẽ “chôn vốn” của họ lâu hơn. Tuy nhiên, bản chất mua bất động sản không bao giờ là thua cả.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận có khoảng trên 4.000 sản phẩm bất động sản biển được đưa ra thị trường, trong đó chủ yếu là condotel và biệt thự nghỉ dưỡng. Những địa điểm phát triển mạnh về sản phẩm này trong thời gian gần đây, như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.
“Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven biển gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể. Theo thống kê có đến 2/3 các dự án có sản phẩm condotel đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ này là do: Ảnh hưởng của dịch bệnh đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất; cùng với đó là khung pháp lý cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng dẫn đến tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bởi sự phá vỡ cam kết ở một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng”, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.
Trước những khó khăn về thị trường, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã chuyển dịch đầu tư sang các dòng sản phẩm tại khu vực ven đô thị lớn, khu vực phía Bắc với Hà Nội là trung tâm xu hướng này đã xuất hiện ở các tỉnh: Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… khu vực phía Nam ở một số địa bàn giáp ranh với TP.HCM, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Hiện nay nhà đầu tư BĐS đã có sự chuyển dịch địa bàn từ khu vực ven biển sang ven đô thị và trung du. Theo các chuyên gia, đây giống như một chu kỳ đầu tư, không phải biểu hiện “thoái trào” của thị trường BĐS ven biển.