Trước những khó khăn về thị trường, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã chuyển dịch đầu tư sang các dòng sản phẩm tại khu vực ven đô thị lớn, khu vực phía Bắc với Hà Nội là trung tâm xu hướng này đã xuất hiện ở các tỉnh: Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… khu vực phía Nam ở một số địa bàn giáp ranh với TP.HCM, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận có khoảng trên 4.000 sản phẩm bất động sản biển được đưa ra thị trường, trong đó chủ yếu là condotel và biệt thự nghỉ dưỡng. Những địa điểm phát triển mạnh về sản phẩm này trong thời gian gần đây, như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.
“Riêng đối với sản phẩm bất động sản khu vực ven biển còn rất nhiều tiềm năng phát triển, vì hầu hết những nhà phát triển bất động sản lớn đều đã có mặt ở những vùng ven biển, sự có mặt của họ sẽ giúp cho hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nâng cấp, kéo theo đó là giá trị bất động sản ven biển cũng được nâng lên. Mặc dù thời điểm này đang khó khăn, nhưng về dài hạn tôi tin tưởng rằng bất động sản ven biển sẽ tiếp tục phát triển và dẫn dắt thị trường”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Nhìn lại chặng đường 10 năm phát triển của thị trường BĐS nghỉ dưỡng ven biển, ông Phạm Lâm Chủ tịch DKRA Vietnam cho biết, giai đoạn 2010 – 2014 là giai đoạn toàn cảnh thị trường BĐS cả nước nói chung suy giảm nặng nề nhất, đặc biệt trong năm 2010 – 2013. Sang năm 2014, thị trường bắt đầu phục hồi trở lại. BĐS ven biển giai đoạn này vẫn chủ yếu là các loại hình biệt thự biển trong các khu resort, còn condotel bắt đầu xuất hiện nhưng chưa nhiều.
Theo đó, các dự án đa phần ở quy mô nhỏ, chỉ tập trung vào loại hình resort nghỉ dưỡng với biệt thự biển và condotel, chưa đa dạng sản phẩm; Do giá trị đặc thù, người mua là những người có điều kiện tài chính không phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường; Mức giá còn đang rất hấp dẫn.
Giai đoạn này, thị trường đã khơi dậy một phân khúc mới, tạo dựng thị trường mới tại các địa phương/tỉnh thành. Các dự án có quy mô lớn hơn, được đầu tư bài bản hơn. Cuộc chạy đua về cam kết lợi nhuận đã gây ra hệ lụy về sau. Nguồn cung ồ ạt vượt quá khả năng hấp thụ. Vẫn còn gây nhiều tranh cãi về tác động đến môi trường tự nhiên.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, điểm chung của thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2020 tại các khu vực đều rất hiếm các dự án mới được phê duyệt, thị trường giao dịch ảm đạm. Tại Đà Nẵng và Quảng Nam không ghi nhận nhiều dự án mới chào bán. Nguồn cung các dự án đã xong hạ tầng và pháp lý (có sổ đỏ) hiện khan hiếm.
Với lợi thế đặc biệt của một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 47-48% GDP cả nước và theo mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ chiếm 65-70% GDP cả nước. Là một cấu phần quan trọng trong nền kinh tế biển, bất động sản biển những năm qua đã phát triển rất mạnh với đa dạng các loại hình sản phẩm và quy mô dự án ngày càng lớn, hình thành hệ thống đô thị biển quy mô với các chức năng dịch vụ du lịch, giải trí, mua sắm và sinh sống chất lượng cao.
Theo một số nghiên cứu mới đây, nhu cầu của du khách đối với các mô hình sản phẩm như resort, nơi nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B độc đáo và nghỉ dưỡng cuối tuần không ngừng gia tăng.
Đồng thời, theo nhiều chuyên gia, một đô thị biển đủ lớn sẽ hình thành một hệ sinh thái nghỉ dưỡng và trải nghiệm cũng như buôn bán, kinh doanh hấp dẫn. Do đó, đây sẽ là những sản phẩm dẫn dắt xu thế phát triển của bất động sản ven biển trong thời gian tới.