Dù vẫn duy trì vị thế số 1 về lợi nhuận trong ngành ngân hàng, song kết quả nhiều mảng kinh doanh của Vietcombank cho thấy ngân hàng đang phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 với lợi nhuận trước thuế sụt giảm 22% so với cùng kỳ, chỉ đạt 4.938 tỷ đồng. Nguyên nhân do thu nhập hoạt động sụt giảm trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng đều tăng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 15.965 tỷ đồng, giảm 9,35% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng hơn 25% trong 9 tháng.
Quy mô nợ xấu của Vietcombank đến cuối quý III tăng 15% so với đầu năm, lên gần 7.900 tỷ đồng. Quy mô nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gấp hơn bốn lần, nợ nhóm 4 cũng gấp gần ba lần, còn nợ nhóm 5 giảm 16%. Bên cạnh đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) cũng tăng 60% lên 4.156 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Vietcombank 9 tháng đầu năm chỉ đạt 3.540 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp so với các ngân hàng thuộc nhóm đầu như BIDV, Vietinbank, hay Techcombank và VPBank.
Tăng trưởng của tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Vietcombank cũng thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng trên. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank đạt 274.386 tỷ đồng, vẫn cao nhất thị trường song mức độ tăng trưởng chỉ 4,5%. Mức tăng trưởng này ở Vietinbank là 11,6%, BIDV là 7,3% hay Techcombank tăng 23%.
Trong số các ngân hàng quốc doanh, Vietinbank là trường hợp có kết quả kinh doanh khả quan hơn. Sau 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 32.170 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 10.364 tỷ đồng, tăng 22%.
Dù thu nhập lãi thuần chỉ tăng nhẹ do tín dụng tăng chậm đồng thời ngân hàng thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Vietinbank vẫn gia tăng lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ nhờ các mảng hoạt động phi tín dụng, chẳng hạn hoạt động mua bán chứng khoán có lãi tới 640 tỷ, cao gấp 7 lần mức đạt được 9 tháng đầu năm 2019.
Lãi từ hoạt động khác (nhờ đẩy mạnh thu hồi từ nợ xử lý rủi ro) trong 9 tháng cũng tăng 91% đạt 1.152 tỷ. Ngoài ra lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 27,4% đạt 1.514 tỷ, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 5,6% đạt 3.218 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Vietinbank khó lòng quay lại cuộc đua tăng trưởng nếu chưa hoàn tất việc tăng vốn. Hiện tại, dư địa để tăng trưởng tín dụng của ngân hàng không còn nhiều do các giới hạn về nguồn vốn.
Nhóm phân tích SSI Research nhận định, năm nay có thể là năm đầu tiên BIDV không đạt được hạn mức tăng trưởng tín dụng 9% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm 2020. Tín dụng khó tăng trưởng, cộng với việc đợt bùng phát dịch thứ 2 sẽ làm tăng tỷ trọng các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lợi nhuận của BIDV, theo đó, dự kiến sẽ suy giảm trong năm 2020.
Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho thấy ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Sau 9 tháng đầu năm 2020, nhà băng có thu nhập lãi thuần đạt 9.144 tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đổi lại, các hoạt động phi tín dụng của BIDV tăng trưởng rất mạnh.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 30% lên 1.367 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán đầu tư có lãi đột biến 340 tỷ đồng, trong khi quý 3/2019 lỗ. Lãi thuần từ hoạt động khác giảm 17% xuống 1.001 tỷ đồng.
Nhờ đó, lũy kế 9 tháng, ngân hàng lãi trước thuế 7.061 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm trước. So với quy mô lợi nhuận của các ngân hàng tư nhân lớn như VPBank (9.400 tỷ đồng) hay Techcombank (10.700 tỷ đồng), có thể thấy BIDV đã bị bỏ lại khá xa.
Ảnh hưởng của dịch bệnh đồng thời chất lượng tài sản của BIDV bị ảnh hưởng rõ nét. Nợ xấu ở mức 22.524 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, nâng tỷ trọng từ 1,74% lên 1,97%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 26% lên 14.315 tỷ đồng.
Báo cáo của FiinGroup đánh giá, ảnh hưởng của Covid-19 chưa được phản ánh đầy đủ vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm nay, đặc biệt với các nhà băng chưa chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tiềm ẩn.
Bức tranh tài chính 9 tháng cho thấy sự phân hóa rõ rệt khi nhiều nhà băng tăng trưởng hai con số, nhưng cũng không ít ngân hàng giảm lãi.