Thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, giá bán căn hộ tại TP.HCM trung bình ở mức 45 triệu đồng/m2. Nguồn cung khan hiếm khiến không ít chủ đầu tư có xu hướng dạt ra các tỉnh lân cận thành phố đầu tư dự án mới, trực tiếp đẩy giá nhà ở những khu vực này lên cao.
Theo Bộ Xây dựng, so với cuối năm 2019, tại 2 thị trường BĐS lớn là Hà Nội và TP.HCM hiện có tình trạng nguồn cung giảm nhưng giá nhà ở lại tăng. Cụ thể, giá căn hộ chung cư tại TP.HCM tăng 0,25%, trong khi tại Hà Nội tăng ít hơn, khoảng 0,16%.
Báo cáo tình hình thị trường BĐS quý 3/2020, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong cơ cấu nguồn cung nhà ở mới tại TP.HCM, loại hình căn hộ có mức giá bình dân không còn xuất hiện trên thị trường. So với quý trước đó, giá bán căn hộ tăng mạnh, từ 15% – 20%.
Để thu hút doanh nghiệp tham gia thực hiện nhà ở thương mại giá thấp, theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ đang đề xuất giảm 50% tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư. Bên cạnh việc dành 20% nhà ở xã hội tại các dự án ở đô thị, Bộ Xây dựng cũng đề xuất cần có 20% nhà ở thương mại giá thấp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết từ năm 2018 – 2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm mạnh về số lượng dự án, quy mô dự án, nguồn cung sản phẩm mới, lượng giao dịch sản phẩm. Nguồn cung giảm mạnh là một trong các nguyên nhân khiến người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị, người nhập cư bị thiệt thòi trong tiếp cận nhà ở. Hiện nay, nguồn cung căn hộ vừa túi tiền rất khan hiếm trong khi nhu cầu với phân khúc này rất lớn vì nhắm vào nhu cầu thực của đại đa số khách hàng.
Một đơn vị thường xuyên có báo cáo thị trường khác là Công ty DKRA Việt Nam cũng cho biết từ nửa cuối năm 2018 đến nay, căn hộ hạng C có giá dưới 25 triệu đồng/m2 đã rơi vào tình trạng khan hiếm. Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam, với tình trạng khan hiếm căn hộ hạng C và mặt bằng giá căn hộ đã lên đến mức cao thì khả năng sở hữu của những người có thu nhập trung bình hoặc khiêm tốn tại TP.HCM chắc chắn ngày càng khó hơn.
Phân khúc nhà ở bình dân có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 vô cùng khan hiếm, chỉ có 163 căn. Trong khi cùng kỳ năm trước, nguồn cung căn hộ bình dân trên thị trường là 12.366 căn. Riêng tháng 10/2020, trong 6 dự án (tổng số 8.365 căn hộ) đủ điều kiện huy động vốn, phân khúc trung cấp chiếm tỷ lệ đến 94,4% và phần còn lại là căn hộ cao cấp. Như vậy, phân khúc căn hộ bình dân dường như đã “vắng bóng” trên thị trường.
Đơn cử, trong báo cáo thị trường quý 3 mới công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết ngay cả trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung, cao cấp gần như không biến động, một số dự án phân khúc bình dân thậm chí đẩy giá lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp.
Thậm chí, tại thị trường TP.HCM, giá bán căn hộ quý 3 còn tăng mạnh 15 – 20% so với quý 2, tạo cơn sốt. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, phân tích khoảng 2 năm nay, Hà Nội và TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Quý 2/2020, loại hình căn hộ có mức giá bình dân tiếp tục không còn xuất hiện trên thị trường. Từ quý 1/2020 đến nay, loại hình này đã không còn, dù nhu cầu của người dân rất lớn. Riêng tại Hà Nội, hiếm sản phẩm thuộc phân khúc bình dân. “Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ chậm. Nhiều dự án có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ, phải áp dụng chính sách khuyến mãi và tặng quà giá trị lớn”, ông Đính nói.
Ông Nguyễn Hoàng, GĐ bộ phận R&D cho rằng, xét về giá bán, chung cư trên thị trường TP.HCM có giá dao động khoảng trên 40 triệu đồng/m2. Tuy vẫn có dự án rao giá từ 1,4-1,6 tỷ đồng/căn nhưng nếu chia theo tỷ lệ m2 thì giá cũng lên đến 38-43 triệu/m2, hoàn toàn không thể xếp vào loại hình nhà giá rẻ. Hiện nay, các “ông lớn” trong ngành BĐS vẫn có tâm lý ưu ái đối với các sản phẩm giá thành cao, thay vì thử sức ở các phân khúc khác. Diễn biến này không loại trừ yếu tố do thiếu nguồn cung nên giá bán sơ cấp căn hộ tại TP.HCM đã tăng cao và đẩy các sản phẩm ở phân khúc dưới lên phân khúc hàng trên. Các sản phẩm nhà bình dân từ mốc 25 triệu đồng/m2 buộc phải tăng giá bán theo chi phí phát sinh lên mức trung cấp.
Cơ cấu bất động sản không hợp lý dẫn đến tình trạng thừa nhà ở cao cấp, thiếu hàng bình dân; nguồn cung mới sụt giảm mạnh. Giá nhà mỗi năm một tăng, dự án nhà ở xã hội triển khai ít, khó tìm mua, các ông lớn thì không phát triển nhà giá rẻ. Nhiều người dân TP.HCM gần như không thể ôm mộng mua nhà ở với giá bình dân.