Sự yếu kém của Agribank một phần cũng thể hiện trên báo cáo tài chính. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ bán niên, tại thời điểm 30/6/2020, dư nợ tín dụng của Agribank đạt 1,13 triệu tỷ đồng, đứng đầu hệ thống. Tuy nhiên, so với đầu năm, tín dụng của ngân hàng chỉ tăng 1,2% – mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Huy động vốn tăng 4% so với đầu năm, khiến chi phí lãi tăng mạnh hơn thu nhập từ lãi. Điều này khiến thu nhập lãi thuần nửa đầu năm 2020 của Agribank giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận, việc thu hồi nợ gặp khó khăn do thanh khoản thị trường bất động sản kém, việc khởi kiện để thu hồi nợ chậm trễ… khiến việc thu hồi nợ giảm, kéo theo lãi thuần từ hoạt động khác suy giảm.
Và đương nhiên để giải quyết nợ xấu, động thái giải quyết đầu tiên của Agribank là bán tài sản thế chấp. Đầu tháng 8 vừa qua, ngân hàng đã thông báo bán đấu giá hai quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TP.HCM với giá khởi điểm lần lượt là gần 19 tỷ đồng và 33 tỷ đồng.
Tài sản trên được Agribank bán theo nguyên trạng, tức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá khoản nợ xem xét tìm hiểu các hồ sơ khoản nợ và tự xác định tình trạng của khoản nợ theo hiện trạng thực tế.
Trước đó, liên quan đến phần xác định giá trị doanh nghiệp chuẩn bị cho cổ phần hoá, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Agribank cho biết ngân hàng hiện có 294 cơ sở nhà đất, với tổng số 2,6 triệu mét vuông đất, nguồn gốc đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.
Mặc dù ngân hàng đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương xử lý từ 2 năm nay nhưng hiện tại vẫn ngổn ngang.
Như vậy, Agribank phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, do sự khác biệt về quy mô tài sản, mạng lưới, con người cũng như thực tế về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất của Agribank hiện nay thì việc thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa là hết sức khó khăn.
Hồi đầu năm, Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo kế hoạch kiểm toán năm 2020 cơ quan này sẽ tập trung thực hiện 158 cuộc kiểm toán. Danh sách các ngân hàng được kiểm toán năm 2020 gồm có: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Theo đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2018 của các ngân hàng này để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề cần xem lại nhân sự cốt cán tại ngân hàng này. Còn nhớ năm 2019, thị trường tài chính khá nhạy cảm với thông tin Agribank ban hành Nghị quyết quy định quy mô chi nhánh đạt dư nợ trên 10.000 tỷ đồng thì phải tách thuộc quyền quản lý của Trụ sở chính?
Theo Quyết định 266/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 22/3/17 của Agribank quy định tiêu chí xếp hạng chi nhánh dựa vào 03 chỉ tiêu: Nguồn vốn, Dư nợ, Lợi nhuận khoán tài chính. Do đó, việc quy định dư nợ đạt 10.000 tỷ trở lên thì tách làm chi nhánh loại I về trực thuộc Trụ sở thực chất là việc lạ.
Dư luận đã cho rằng, Nghị quyết HĐTV quy định quy mô dư nợ trên 10.000 tỷ đồng phải tách chi nhánh trở thành cái cớ để mở rộng bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả đối với một ngân hàng 100% vốn Nhà nước, nhưng lại lợi cho lãnh đạo khi tạo thêm nhiều ghế tuyển dụng, bổ nhiệm, tăng các hoạt động chi mua sắm tài sản, trụ sở làm việc…
Trong dòng chảy của “cơn sốt” trái phiếu, khi rất nhiều doanh nghiệp, ngân hàng cùng thi nhau phát hành trái phiếu, Agribank cũng không đứng ngoài cuộc. Năm 2019, Agribank phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu.
Trái phiếu được Agribank chào bán có mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm. Lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 1,2%/năm, trong đó lãi suất tham chiếu được tính cho mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng, gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV.
Căn cứ theo mức lãi suất công bố cùng thời điểm của bốn nhà băng này, lãi trái phiếu trong năm đầu tiên có thể đạt 8,1%/năm cao hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại (ở mức 6,8% đến 7%/năm). Việc thả nổi lãi suất cộng biên độ được đánh giá sẽ tối đa hóa lợi ích cho nhà đầu tư trong trường hợp lãi suất có thể tăng trong những năm tới.
Về triển vọng đợt phát hành, Agribank là Ngân hàng 100% vốn Nhà nước, có mạng lưới 2.300 điểm giao dịch phủ sóng trên toàn quốc và mức lãi suất trái phiếu hấp dẫn, Agribank tin tưởng sẽ thực hiện thành công. Đối tượng phát hành là cá nhân và doanh nghiệp có lượng vốn cần tìm kênh đầu tư phù hợp. “Lãi suất hơn 8% có thể không quá cao nếu so với trái phiếu doanh nghiệp nhưng luôn đảm bảo tính an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư. Còn nếu so với lãi suất huy động tiết kiệm thì không kém cạnh tranh bởi biên độ 1,2%/năm cộng thêm, trong khi sản phẩm này cũng có tính lỏng tương đương với tiền gửi tiết kiệm”, lãnh đạo Agribank cho biết.
Được đánh giá hấp dẫn là vậy nhưng giới thạo tin thời điểm đó chắc không xa lạ với những thông tin về việc ngân hàng “giao khoán” việc “chạy chỉ tiêu” mua trái phiếu cho nhân viên các chi nhánh, phòng giao dịch. Đâu đó thấp thoáng thông tin mỗi nhân viên ngân hàng này cũng “dắt túi” ít nhất là 100 “trái”.
Liệu trái phiếu Agribank có thực sự hấp dẫn như lời quảng cáo hay ngân hàng cũng đang lao vào cuộc chơi “vô tiền khoáng hậu” mang tên trái phiếu mà quên mất những cảnh báo (?)
Vướng bất động sản không thể gỡ với 7.000 vụ kiện, khó cổ phần hoá, khó xác định giá trị doanh nghiệp, cán bộ tín dụng tham ô, cán bộ câu kết với khách hàng cho vay sai quy định nhằm chiếm đoạt tiền ngân hàng,… tất cả những vấn đề này làm thế nào có thể che mắt được lãnh đạo cốt cán của ngân hàng lớn nhất hệ thống?
Cách đây 5 tháng, Agribank cũng đã có nhân sự mới bổ nhiệm trong giai đoạn ngân hàng cần thực hiện các phương án cổ phần hoá và tăng vốn. Ngày 28/4/2020, Ngân hàng Nhà nước trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank.
Việc Agribank hé lộ thêm khoản nợ xấu ẩn cũng như tăng mạnh 2.000 vụ kiện trong 10 tháng đầu năm là điều không khó hiểu. Chu kỳ vẫn là, lãnh đạo mới đương chức sẽ công bố bệnh của doanh nghiệp, sau đó sẽ đưa doanh nghiệp khoẻ dần trong thời gian đương nhiệm.
Trong toàn bộ hệ thống, Agribank là ngân hàng có tài sản đảm bảo là bất động sản cao nhất. Những người hoạt động trong ngành thừa hiểu rằng, bất động sản là nhóm tài sản đảm bảo vững chắc nhất trong tín dụng. Các khoản nợ liên quan đến bất động sản càng nhiều càng cho thấy “khẩu vị” tín dụng của một ngân hàng đang thiên về lĩnh vực này. Điều này cũng là dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây. Tuy nhiên, với Agribank đây lại là một vấn đề cần nhiều lời giải thích.
Với Agribank, công bố tăng thêm chút nợ xấu ở thời điểm này có vẻ như không mất lòng aivà khá hợp lý bởi đúng vào giai đoạn dịch Covid-19 tác động xấu đến toàn nền kinh tế.
Ai có thể trả lời chính xác khối nợ xấu thực sự của Agribank thời điểm hiện tại? Tài sản thế chấp của ngân hàng này bao nhiêu còn giá trị, và bao nhiêu sẽ là mất vốn? Khi nào Agribank thực hiện được kế hoạch cổ phần hoá?