Trong dự thảo Chiến lược phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định rõ phát triển ĐTTM chính là một trong những trụ cột, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh (ĐTTM) ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển ĐTTM là một kênh tăng trưởng quan trọng của quốc gia, do đó, ông mong muốn các thành viên ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 5 ưu tiên của năm ASEAN 2020.
Thủ tướng cho rằng, phát triển ĐTTM thực sự là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.
Như vậy, phát triển ĐTTM phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Đồng thời, phải trên cơ sở gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.
Các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý ĐTTM..
Thủ tướng cho rằng, phát triển ĐTTM là một kênh tăng trưởng quan trọng của quốc gia, do đó, ông mong muốn các thành viên ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 5 ưu tiên của năm ASEAN 2020, bao gồm củng cố môi trường hòa bình, kết nối thịnh vượng, phát triển cộng đồng và bản sắc ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế và đẩy mạnh năng lực thể chế ASEAN.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu, nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng CO2 trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ: “Chúng ta đang ở những bước đi khởi đầu trong hành trình tiếp cận, gia tăng tri thức và áp dụng tri thức mới. Thế giới sẽ còn tiếp tục nghiên cứu xu hướng này để tìm ra một giải pháp tối ưu hơn nữa. Nhưng trước mắt, sự nỗ lực của mọi quốc gia trong việc nhận định “sự thông minh” phù hợp trong bối cảnh phát triển của đất nước mình là rất quan trọng, để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển đô thị thông minh nói riêng và phát triển bền vững thế giới nói chung”.
Đô thị thông minh không chỉ là các tiện ích hạ tầng phần cứng trong các lĩnh vực trường học, bệnh viện, thư viện, giáo dục… mà còn quan trọng hơn chính là các tiện ích này giúp cho kết nối nguồn nhân lực bác sỹ, kỹ sư, các nhà tri thức để cùng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đô thị và quốc gia. Khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ. Việc phát triển các ứng dụng thông minh phải trên nguyên tắc kế thừa, đặc biệt kế thừa hệ thống cơ sở dữ liệu đã được tích lũy.
Xây dựng tiềm lực đề phát triển đô thị thông minh bền vững phải bao gồm đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; phát triển nghiên cứu chế tạo, ứng dụng khoa học công nghệ đô thị thông minh đồng thời thúc đẩy các hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ và phát triển đô thị thông minh bền vững.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm về quy hoạch đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh, cung cấp các tiện ích thông minh và xây dựng cơ sở nền tảng và tăng cường tiềm lực thực hiện, cần xác định rõ bản chất của đô thị thông minh chính là sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, phát triển theo chiều sâu, đổi mới cơ chế và thể chế”.
Liên quan đến định nghĩa sự “thông minh” của đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, một đô thị thông minh được xác định trên nhiều nội dung.