Trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp địa ốc đặt mục tiêu doanh thu đạt vài ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt ngàn tỷ đồng. Nhưng những diễn biến từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua không như mong đợi của các doanh nghiệp, trải qua 2 đợt dịch, vướng mắc nhiều thị trường. Dù nền kinh tế đã đi vào ổn định trở lại trong quí III nhưng nhìn chung, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có sự đột phá.
Tính đến hết quí III, hàng tồn kho của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng, một trong những vấn đề ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) từng lưu ý.
Bởi lẽ theo Chủ tịch HoREA, hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế nếu đây là bán thành phẩm, như trường hợp do vướng mắc về pháp lí nên dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng chi phí hoặc lãi vay cho doanh nghiệp.
An Gia cũng là một trong những doanh nghiệp có hàng tồn kho tăng mạnh. Tính đến cuối kì kế toán quí III, doanh nghiệp này tồn kho gần 5.190 tỉ đồng, chiếm 60% tổng giá trị tài sản và gần gấp 2 lần con số ở đầu năm. Trong đó, dự án condotel duy nhất của An Gia, chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với 2.142 tỉ đồng. Hiện dự án này đang được thế chấp cho các khoản vay bằng trái phiếu của doanh nghiệp.
CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia, hầu hết doanh thu trong kì của doanh nghiệp đến từ dịch vụ tư vấn môi giới và tiếp thị. Nhờ hạch toán lãi hơn 41 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng 60% cổ phần tại CTCP Đầu tư và Quản lý Sơn Lâm trước ngày chốt số tài chính (ngày 29/9) đã giúp An Gia có lãi.
Nếu loại trừ khoản khoản lãi chuyển nhượng vốn nói trên, nhiều khả năng An Gia phải báo lỗ trong quí III năm nay, thay vì lãi ròng khoảng 9 tỉ đồng.
Đối với LDG, lãi ròng của doanh nghiệp này liên tục giảm trong ba quí đầu năm nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi ròng của LDG chỉ đạt 13 tỉ đồng, trong khi cùng kì lãi ròng 348 tỉ đồng. Thông tin từ BCTC cũng cho thấy, tiền và tương đương tiền của LDG cũng giảm mạnh từ 40 tỉ đồng ở đầu kì về còn 2 tỉ đồng, tính đến ngày 30/9/2020. Hiện nay, LDG đang triển khai 5 dự án chiến lược với tổng mức đầu tư khoảng 2,4 tỉ USD.
Tính đến ngày 30/9/2020, Phát Đạt tồn kho 9.781 tỉ đồng. Trong đó, gần một nửa giá trị hàng tồn kho tập trung ở hai dự án gồm The EverRich 2 (River City) và The EverRich 3 chiếm 4.480 tỉ đồng. Phát Đạt đã bàn giao đất nền tại Phân khu số 2 và bắt đầu bàn giao một số đất nền tại Phân khu số 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Bình Định. Theo đó, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần cao gấp 3,3 lần cùng kì với 1.316 tỉ đồng.
Theo đó, Phát Đạt hiện là doanh nghiệp tăng trưởng lãi ròng cao nhất với khoảng 439 tỉ đồng, gấp 2,7 lần cùng kì năm ngoái.
Đối với CTCP Tập đoàn Đất Xanh, doanh thu thuần cả quí III và 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đều giảm một nửa so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, phần lớn doanh thu của doanh nghiệp đến từ hoạt động môi giới.
So với khoản lỗ ròng hơn 29 tỉ đồng ở quí II, Đất Xanh đã có lãi trở lại vào quí III với khoảng 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm doanh nghiệp vẫn lỗ ròng 388 tỉ đồng, trong khi cũng kì lãi ròng 907 tỉ đồng. Đất Xanh cũng chưa giải quyết dứt điểm dự án Gem Riverside. Tại thời điểm 30/9/2020, dự án này có giá trị tồn kho hơn 1.580 tỉ đồng. Đất Xanh hiện dồn hết nguồn lực vào dự án Gem Sky World ở Long Thành, Đồng Nai. Đây là dự án đang chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với gần 3.410 tỉ đồng, cao gấp đôi giá trị ghi nhận hồi đầu năm. Do hàng tồn kho tiếp tục tăng ở một số dự án chủ chốt, trong khi khoản trích lập dự phòng cao.
Doanh thu thuần của CTCP DRH Holdings giảm gần một nửa so với cùng kì khi chỉ đạt hơn 5 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn lãi ròng gần 8 tỉ đồng, gấp 2 lần con số ở cùng kì. Tương tự như kết quả ở những quí trước, DRH Holdings tiếp tục có khoản lãi hơn 11 tỉ đồng từ công ty liên kết là CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương.
Theo kết quả kinh doanh quý III, doanh thu Công ty CP đầu tư Nam Long tăng 64%, trong khi lợi nhuận giảm mạnh 80% do giá vốn tăng.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý III của Nam Long đạt 640 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần chỉ đạt 29,3 tỷ đồng, giảm hơn 80%. Doanh thu trong quý đến từ bán bất động sản (đất, căn hộ, nhà phố, biệt thự), xây dựng, cung cấp dịch vụ, chuyển nhượng dự án và cho thuê bất động sản đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn thu từ hoạt động tài chính của công ty cũng giảm còn 16 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 26 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các công ty liên doanh, liên kết cũng mang lại khoản lãi hơn 1 tỷ đồng thay vì lỗ gần 2 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm, Nam Long đạt 1.298 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 208 tỷ đồng, giảm 2% về doanh thu và gần 50% về lợi nhuận so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30.6, tổng tài sản của tập đoàn đạt 98.780 tỉ đồng, tăng gần 10% so với cuối năm 2019. Tại Novaland, tập đoàn luôn thực hiện các biện pháp kiểm soát tài chính chặt chẽ, nhờ đó tính thanh khoản được duy trì ở mức cao, thể hiên qua tỉ suất thanh toán hiện thời đạt 3,52 lần, tương đương năm 2019 và cao hơn gần 1,8 lần so với giai đoạn 2016-2018, tỷ suất thanh toán nhanh đạt 0,8 lần.
Tổng doanh thu hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, hoạt động chuyển nhượng dự án là 4.361 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.487 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.177 tỉ đồng, tăng lần lượt 12% và 48%. Biên lợi nhuận gộp tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù nền kinh tế đã đi vào ổn định trở lại trong quí III nhưng nhìn chung, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có sự đột phá. Lợi thế vẫn nghiêng về những doanh nghiệp vốn có quĩ đất và dự án đã được triển khai từ trước.