Để đánh giá thành công của các chủ đầu tư phía Nam tại thị trường Hà Nội vẫn còn quá sớm. Các chủ đầu tư từ TP HCM sẽ cần cân nhắc tâm lí khách hàng như là một trong những thách thức lớn, vì họ có thể chưa hiểu tường tận về nhu cầu và thị trường bất động sản Hà Nội, cụ thể là về giá.
Tại TP HCM, những dự án tại trung tâm TP có thể lên đến và trên 10.000 USD/ m2. Tuy nhiên, ở Hà Nội, những dự án như vậy rất là ít và rất khó bán. Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở, nhưng thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư này.
Ở góc độ đầu tư, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, quĩ đất tại TP HCM đang ngày càng khan hiếm. Điều này đã và đang tạo ra một làn sóng dịch chuyển từ TP HCM ra Hà Nội để tìm kiếm những cơ hội mới.
Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội, các chủ đầu tư từ TP HCM lại không có nhiều lợi thế. Đa phần các dự án nhà ở Hà Nội được đầu tư bởi các chủ đầu tư xuất phát từ Hà Nội và chất lượng thị trường chung cư nhà ở Hà Nội có phần thấp hơn so với TP HCM.
“Cái khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư từ TP HCM là tìm kiếm các dự án tiềm năng và cơ hội hợp tác với chủ đất tại Hà Nội. Để khắc phục điều đó, các nhà đầu tư đang đưa ra các cấu trúc giao dịch linh hoạt hơn, đẩy mạnh ưu thế về tính sáng tạo trong phát triển dự án để khuyến khích cơ hội hợp tác với các chủ đầu tư tại Hà Nội”, bà Minh nhận định.
Thị trường bất động sản Hà Nội đang được kì vọng có những diễn biến mới nhờ sự góp mặt của các chủ đầu tư từ TP HCM và các chủ đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ tại buổi họp báo công bố Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quí III/2020 vừa diễn ra, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, thị trường căn hộ để bán trong quí ghi nhận sự trầm lắng. Số lượng dự án mới từ đầu năm đến nay hạn chế.
Cụ thể, quí III năm nay, có khoảng 3.100 căn hộ được mở bán. Trong đó chỉ có khoảng 700 căn từ 4 dự án mới, còn lại là các căn hộ thuộc giai đoạn tiếp theo của 9 dự án đã bung hàng, giảm 50% theo quí và 60% theo năm.
Nguồn cung sơ cấp đạt 26.800 căn, giảm 8% theo quí và 9% theo năm. Các chủ đầu tư trì hoãn tung bán mới do tác động của các yếu tố bất ổn.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, hiện tượng này là dễ hiểu bởi yếu tố chính khiến thị trường Hà Nội đang trở thành một thị trường tiềm năng. Pháp lí là một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư yên tâm. Các nhà đầu tư TP HCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội. Bản thân các chủ đầu tư có đủ năng lực để kết hợp với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn có thể đáp ứng được kì vọng của chủ đầu tư.
Đối với các khu vực vùng ven Hà Nội, theo vị chuyên gia này, hiện Thái Nguyên và Hòa Bình là hai thị trường ghi nhận có sự sôi động hơn. Sắp tới, thị trường Hưng Yên có thể sẽ thu hút các nhà đầu tư đến từ Hà Nội.
Đại diện Savills cũng đánh giá, các chủ đầu tư phía Nam đang Bắc tiến đều là những chủ đầu tư có nhiều kinh nghiệm về phát triển bất động sản. Bên cạnh đó, lượng giao dịch của thị trường BĐS miền Bắc vẫn duy trì ở mức tốt, đặc biệt là phân khúc nhà đất thổ cư.
Dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường miền Bắc khiến cho khu vực này ghi nhận lượng quan tâm cao. Nhiều nhà đầu tư tại khu vực miền Nam đang có xu hướng Bắc tiến do thị trường BĐS khu vực miền Bắc có nhiều sự lựa chọn hơn.