Theo chuyên gia Savills Việt Nam, các chủ đầu tư đi theo làn sóng chuyển dịch này thường là những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm phát triển bất động sản ở TP.HCM. Thị trường Hà Nội trong con mắt của họ về kinh nghiệm phát triển, kinh nghiệm bàn giao, đầu tư hạ tầng, đầu tư tiện ích dường như các chủ đầu tư Hà Nội có quan tâm nhưng chưa “tới”. Họ kỳ vọng mang triết lý kinh doanh ra Hà Nội sẽ cạnh tranh trực diện với thị trường Hà Nội.
Một thách thức đó là dù có làn sóng chuyển dịch nhưng chưa có được những dự án thật sự thành công. Bởi lẽ đối với thị trường Hà Nội, tâm lý khách hàng, tâm lý nguồn cầu họ chưa thể hiểu được.
“Giá tại quận 1 (TP.HCM) có thể đẩy trên 10.000 USD/m2, ở Hà Nội cũng từng có dự án như vậy nhưng rất ít, hoặc có dự án giá chỉ 5.000 USD/m2 lại rất khó bán. Do đó, thách thức lớn nhất của các chủ đầu tư đó là hiểu được thị trường Hà Nội. Hiểu được thị trường đến đâu thì thành công đến đó” – bà Hằng khẳng định.
Theo các chuyên gia nhìn nhận thực tế kết quả qua làn sóng dịch chuyển đầu tư từ những năm trước, việc lựa chọn được dự án thật “sạch” để hợp tác rất khó, đặc biệt là các dự án ở khu vực trung tâm. Đây là các dự án thường đã bị đắp chiếu từ lâu, pháp lý chồng chéo, chủ đầu tư cũ không minh bạch dẫn đến việc đứt gánh giữa đường.
“Việc lựa chọn “đặt chân” lên thị trường Thủ đô cần những sự tính toán kỹ lưỡng nếu không sẽ “phản tác dụng””- các chuyên gia bày tỏ quan điểm.
Theo hướng dịch chuyển của dòng tiền, nhiều ông lớn bất động sản Sài Thành cũng đã và đang triển khai các chiến dịch Bắc “tiến”. Trong đó có thể kể đến như Tập đoàn Phú Long với dự án Splendora Bắc An Khánh giai đoạn 2 có quy mô gần 200ha, Him Lam với dự án Him Lan Vạn Phúc ở Hà Đông, Phú Mỹ Hưng có kế hoạch phát triển dự án ở phía tây Hà Nội.
Ông Quốc Anh cũng dự báo trong quý cuối năm khu vực miền Bắc và Hà Nội sẽ có lượng quan tâm tăng trưởng tốt hơn thị trường miền Nam và khu vực TP.HCM.
Trong khi đó, theo đánh giá của Savills Việt Nam, làn sóng này không chỉ xuất phát từ các nhà đầu tư đơn lẻ, các chủ đầu tư lớn mà còn bao gồm cả các đại gia bất động sản ngoại. Sự chuyển dịch này đến từ 2 yếu tố đó là pháp lý ở Hà Nội khiến các chủ đầu tư yên tâm, được đánh giá “sạch” hơn với khu vực phía Nam.
Hiện thị trường bất động sản TP.HCM gặp rất nhiều thách thức bởi để xin phát triển được dự án chung cư là rất khó, thủ tục bị ách tắc, nguồn cung cạn kiệt. Các nhà đầu tư buộc lòng họ phải tìm kiếm một thị trường rộng mở hơn, đó là Hà Nội.
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, khó khăn lớn nhất mà các chủ đầu tư này vướng phải đó là làm thế nào để tìm kiếm được các dự án có thể hợp tác. Mặc dù các nhà đầu tư miền Nam rất linh động trong các giao dịch từ hợp tác đầu tư cho đến chuyển nhượng… Tỷ lệ đầu tư trước đây yêu cầu tuyệt đối trên 76%, nay đã có thể chấp nhận tỷ lệ hợp tác 49 – 50% nhưng vẫn khó để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thị trường căn hộ Hà Nội khá ảm đạm, nhạy cảm về giá, tuy nhiên vẫn có sức hấp dẫn đối với các “ông lớn” Sài Thành. Đại diện Savills cho biết sẽ có khoảng 9.980 căn hộ từ một dự án hiện tại và 11 dự án trong tương lai được ra mắt. Dẫn đầu nguồn cung tương lai là huyện Gia Lâm với 38% thị phần, Từ Liêm với 37% thị phần. Savills dự báo, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn nhờ tăng trưởng kinh tế và dân số trong dài hạn.
Giải thích xu hướng đầu tư của những tay to trên thị trường trở về Hà Nội, Phó Tổng giám đốc Batdongsan cho biết: “Chúng ta có thể thấy tỷ suất sinh lời từ cho thuê căn hộ tại TPHCM đang có mức giảm mạnh, hiện nay đâu đó chỉ 3-4%. Giá thuê giảm trong khi giá bán không ngừng tăng, thị trường BĐS tại TPHCM không còn hấp dẫn nhà đầu tư”.
Một trong những thách thức khi các “ông lớn” bất động sản Sài Thành đổ bộ ra thị trường Hà Nội là khó tìm các dự án có thể hợp tác cũng như không nắm bắt được tâm lý khách hàng bản địa.