Thị trường địa ốc phía Nam trong quý III/2020 ghi nhận nguồn cung mới, song vẫn chưa nhiều và giá bán tăng, nhất là phân khúc chung cư.
Dữ liệu từ Công ty CBRE Việt Nam cho thấy, từ năm 2019 đến nay, giá căn hộ mở bán mới tại TP.HCM hầu hết đều không dưới 45 triệu đồng/m2. Giá cao khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang các vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Long An tìm kiếm cơ hội đầu tư, hoặc mua nhà đất an cư. Nhờ đó, giá bất động sản ở những tỉnh này cũng tăng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá bất động sản hiện nay quá cao so với sức tiêu thụ của đại bộ phận người dân. TP.HCM gần như không còn nhà giá dưới 30 triệu đồng/m2, nhiều nơi khác có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên. Người có thu nhập trung bình hiện nay mất cơ hội mua nhà khi các chủ đầu tư liên tục đẩy giá lên.
“Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có dấu hiệu bong bóng, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp, dẫn đến tốc độ tiêu thụ chậm. Nhiều dự án sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ nên triển khai chính sách khuyến mại và tặng quà giá trị. Giá đất ở không ít địa phương phát triển nóng, vượt giá trị thật”, ông Đính nhận xét.
Sau đợt Covid-19 lần hai, giá nhà ở bắt đầu ghi nhận đà tăng trên thị trường sơ cấp. Giá bán sơ cấp nhà chung cư tại một số khu vực tăng phổ biến từ 10 – 15% so với đầu năm 2020, sức tiêu thụ đạt gần 80% rổ hàng. Trong khi đó, mặt bằng giá nhà chung cư trên thị trường thứ cấp giảm nhẹ, trung bình từ 2 – 3% so với quý II và giao dịch diễn ra trầm lắng.
Nhưng sau khi giãn cách xã hội, thị trường bừng tỉnh, hoạt động mua bán bất động sản sôi động trở lại, các dự án do những doanh nghiệp lớn và uy tín đưa ra đều được nhà đầu tư đón nhận tích cực.
Thực tế, ngoài yếu tố kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sức mua nhà đất giảm một phần đến từ nguồn cung hạn chế. Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải hủy kế hoạch triển khai dự án mới, thiếu sản phẩm khiến không ít nhà đầu tư và người có nhu cầu an cư gặp khó khăn trong việc tìm được dự án thích hợp để “xuống tiền”. Tuy nhiên, gần đây, một số doanh nghiệp địa ốc đã mở bán dự án và nhiều doanh nghiệp khác có kế hoạch tương tự trong quý IV.
Ở khu vực giáp ranh TP.HCM, sau thành công từ dự án Bcons Suối Tiên, Bcons Miền Đông, Bcons Garden và Bcons Green View, Công ty Bất động sản Phú Mỹ Hiệp sẽ chào bán ra thị trường dự án Bcons Bee tại khu Đông TP.HCM trong quý IV/2020.
Cùng thuộc khu vực Làng đại học, Tập đoàn Hưng Thịnh vừa chào bán ra thị trường gần 2.000 căn hộ thuộc dự án New Galaxy tại mặt tiền đường Thống Nhất, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án có quy mô 6 block, gồm 19 tầng với giá bán trung bình 1,7 tỷ đồng/căn.
Tập đoàn Đất Xanh vừa giới thiệu dự án Opal Skyline trên đường Nguyễn Văn Tiết, trung tâm TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dự án gồm hai tòa tháp, mỗi tháp cao 36 tầng với 1.530 sản phẩm. LDG Group có kế hoạch triển khai 5 dự án chiến lược, trong đó 2 khu căn hộ với tổng số lượng gần 4.000 sản phẩm dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm.
Cùng với sự phát triển mạnh của thị trường bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng cũng tăng tốc với sự tham gia sâu của các chủ đầu tư lớn. Bất động sản biển phát triển mạnh ở các địa phương nổi bật về du lịch bao gồm Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa (Nha Trang – Cam Ranh), Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang (Phú Quốc)… rồi dần lan sang Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận.
Có thể thấy, các chủ đầu tư nội địa chiếm ưu thế tuyệt đối trong giai đoạn này như Vingroup, Sun Group, CEO Group, BIM Group, Novaland, FLC… Thị trường cũng theo đó bùng nổ nguồn cung khi chỉ tính từ năm 2016 đến tháng 9//2020, đã có khoảng 41.000 căn condotel và 7.847 căn biệt thự biển được đưa ra thị trường.
Cho biết thêm về diễn biến trên thị trường phía Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM chia sẻ: đã xuất hiện một số đợt “sốt ảo” giá đất nông nghiệp, giá đất nền và gia tăng tình trạng phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật ở khu vực quận ven, huyện ngoại thành các thành phố lớn, hoặc tại các khu vực dự kiến quy hoạch đặc khu kinh tế, hoặc xung quanh dự án sân bay Long Thành, hoặc “ăn theo” các đại dự án của tập đoàn kinh tế lớn. Có hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng trên thị trường bất động sản có dấu hiệu lừa đảo.