Khi tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, các chuyên gia nhận định, thị trường du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng những tháng cuối năm và trong tương lai gần sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lượng khách nội địa.
Những con số về khách du lịch nội địa rất đáng lạc quan, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường vẫn chưa thể phục hồi ngay như kỳ vọng và sẽ cần thêm thời gian để “tái tạo” và tăng sức bật.
“Có thể mất nhiều năm để ngành du lịch nghỉ dưỡng phục hồi như trước đại dịch, mặc dù hiện nay thị trường đang có những dấu hiệu khả quan nhờ nguồn cầu của khách nội địa”, báo cáo ngành du lịch khách sạn của Grant Thornton Việt Nam cho hay.
Đơn vị này cũng nhìn nhận, năm 2020 là cột mốc nhiều thử thách đối với ngành nghỉ dưỡng khi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển được áp dụng để đối phó với sự phát sinh của đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn của năm 2020 cũng là thời điểm các nhà đầu tư có hiểu biết sâu sắc nhất về thị trường và có tiềm lực tận dụng lợi thế cạnh tranh để bứt phá trong giai đoạn mới sắp tới.
Các chuyên gia nhấn mạnh, ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vượt qua khủng hoảng bằng khách nội địa nên các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp để xây dựng các dự án tại những thành phố hạng 2, 3 có phong cảnh thiên nhiên đẹp, đặc biệt là khu vực ven biển.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội phân tích: “Ngành du lịch thời gian qua chịu nhiều tác động và thiệt hại nhất. Những tác động ấy không chỉ đối với Việt Nam mà trên cả thế giới, với các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn… Tuy nhiên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch nước ta 5 năm qua tăng trưởng tốt, nguồn cầu từ khách du lịch trong và ngoài nước, do đó chúng ta nhìn thấy rõ nguồn cung tăng trưởng tương xứng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ, cũng như sự đa dạng sản phẩm bởi đây là yếu tố cốt lõi kéo theo sự tăng trưởng khách mới và hấp dẫn khách du lịch trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu các cơ sở lưu trú biết nắm bắt cơ hội, kết hợp những ưu thế của địa phương thì sẽ thuận lợi hơn trong kinh doanh”.
Số liệu thống kê cho thấy, tầng lớp trung lưu Việt Nam đến năm 2025 có thể chiếm 25% dân số, tức khoảng 25 triệu người và ngày càng nhiều người trong số này có nhu cầu sở hữu một căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng và tích lũy tài sản. Nhu cầu này được khích lệ bởi hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc, đường hàng không… ngày càng phủ rộng, kéo gần khoảng cách giữa các đô thị truyền thống và đô thị biển.
Trên thực tế, từ sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội đầu tiên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, rục rịch khởi động lại các dự án nghỉ dưỡng ven biển ở những địa phương mới nổi có tiềm năng, nhằm đón đầu xu hướng sở hữu ngôi nhà thứ hai của dòng khách hạng sang nội địa. Điều này vừa khẳng định sức sống tiềm tàng của các chủ đầu tư, vừa cho thấy tầm nhìn của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị cho một tương lai phát triển bùng nổ các sản phẩm nghỉ dưỡng ven biển.
“Những tháng cuối năm 2020, chúng ta được chứng kiến nhiều dự án bất động sản biển, đô thị biển với quy mô hàng trăm, hàng ngàn héc-ta được công bố dồn dập như thời gian qua. Nhiều dự án, nhiều công trường chưa nghỉ một ngày thi công dù trong cao điểm dịch Covid-19”, một chuyên gia đánh giá.
Đưa ra dự báo về triển vọng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA cho biết: Những thị trường quen thuộc như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long vẫn là nơi duy trì thế mạnh du lịch từ cảnh quan môi trường thiên nhiên, di sản văn hóa – lịch sử,…
Đồng thời, những thị trường mới như: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị,… với lợi thế thiên nhiên, môi trường còn hoang sơ, chưa bị khai phá nhiều nên sẽ thu hút du khách. Cùng lúc đó, các chủ đầu tư lớn đang đổ bộ vào đây với năng lực triển khai dự án tốt hơn từ: Quy mô dự án, quy hoạch bài bản các phân khu chức năng, hạ tầng tiện ích,… đặc biệt là tạo ra thêm các giá trị mới cho du lịch và phát triển đô thị.
Dù từ tháng 3/2020 đến nay, toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ, nhưng theo đánh giá của hầu hết chuyên gia quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.
Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm condotel mới được chào bán ra thị trường. Điểm sáng của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng 9 tháng đầu năm được chỉ ra là giai đoạn cuối tháng 9/2020.
“Thời điểm này, những dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng cho thấy sự nóng lại của thị trường. Điển hình như sự vận động của bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận,… Bên cạnh đó, bất động sản nghỉ dưỡng cũng ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trong nước”, báo cáo của Hội Môi giới nêu.