Trong giai đoạn 2020 – 2021, tổng lượng giao dịch căn hộ sơ cấp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được dự báo sẽ tiến triển chậm hơn, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh do cơ sở giá bán cao hơn và việc trì hoãn cấp phép dự án vẫn đang diễn ra.
Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, một số các khu vực có đất thổ cư có mức độ quan tâm tăng nổi bật trong quý 3/2020. Chẳng hạn tại Hoài Đức (Hà Nội), mức độ tìm kiếm tăng 9% theo quý; ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) con số tăng tới 30% theo quý và 87% theo năm; còn ở Kim Bôi (Hoà Bình) là 12% theo quý và 61% theo năm…
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn – cho hay: Các con số thống kê đã phản ánh xu hướng quan tâm hơn của các nhà đầu tư đối với các thị trường mới.
Theo vị này, lượng tìm kiếm thông tin bất động sản trước đây chủ yếu nhắm tới khu vực nội đô Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, xu hướng 2 năm gần đây thì lượng tìm kiếm tại các thị trường khác bắt đầu tăng lên rõ rệt. Dự báo thị trường những tháng cuối năm 2020, đại diện kênh thông tin bất động sản này cho rằng phân khúc đất nền dưới 1 tỷ đồng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm giới đầu tư.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu VCSC kỳ vọng bất động sản tại các khu vực cấp 2, bao gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hải Phòng, và Quảng Ninh, có thể ghi nhận lượng giao dịch gia tăng. Cơ sở của kỳ vọng này là dự đoán về việc đa số các chủ đầu tư thuộc danh mục theo dõi của VCSC sẽ có thể duy trì đà tăng trưởng tổng giá trị hợp đồng bán hàng nhờ vào việc chuyển hướng tập trung sang các đô thị vùng ven TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này đã được thể hiện qua sự tăng trưởng nhanh chóng trong doanh số bán hàng từ năm 2019 đến nay của các đơn vị như Tập đoàn Novaland, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh cho các dự án nằm ngoài TP. Hồ Chí Minh.
Có 2 cơ sở nền tảng dẫn đến sự dịch chuyển của dòng đầu tư ra các đô thị vùng ven. Thứ nhất là mức giá cả vừa phải so với trong thành phố, và thứ hai là sự cải thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng của các khu đô thị vùng ven đang ngày càng tốt lên, đồng bộ hơn.
VCSC cho rằng, sự cải thiện về thời gian di chuyển giữa các khu vực vùng ven tới TP. Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội trong những năm qua sẽ đi kèm với kỳ vọng về xu hướng phát triển hạ tầng trong tương lai gần.
Như vậy, trong bối cảnh giá bất động sản nội đô tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều đã tăng trưởng ở mức 2 chữ số trong suốt giai đoạn 2018 – 2019 thì mức giá được cho là vừa túi tiền hơn của bất động sản tại các khu vực vùng ven/thành thị cấp 2 đã trở thành lựa chọn sáng giá với nhà đầu tư.
Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thông tin thời gian vừa qua thị trường giao dịch mạnh ở phân khúc đất nền nhất là khu vực trung tâm thành phố và ven các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang. Lượng giao dịch, giá đất nền tăng mạnh so với hai quý trước đó. Tuy nhiên ông cho hay, giao dịch chủ yếu là hoạt động mua đi bán lại, lượng sản phẩm mới rất hạn chế.
Mặt trái của việc giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên quá cao theo ông Đính đó là làm chùn bước sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản. Bởi lẽ, giá đất quá cao khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đã có hiện tượng doanh nghiệp lớn rút lui, sau khi vừa mới đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư tại những khu vực này.
Vị chuyên gia nhấn mạnh thêm rằng tại những khu vực không có dự án đầu tư nào, không có sự tham gia của các chủ đầu tư chính nào mà chỉ có hoạt động của nhà đầu cơ giá đất cũng “nhảy múa”, đây là hiện tượng không tốt của thị trường.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D của DKRA, trong lúc thị trường TP HCM suy giảm thì thị trường các tỉnh giáp ranh lại phát triển trong thời gian vừa qua, chủ yếu nhờ hạ tầng các khu vực này phát triển hơn.
Đơn cử như ở phân khúc đất nền, quí III vừa qua thị trường đón nhận hơn 4.200 nền từ các thị trường Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉ lệ tiêu thụ trên 58%. Ngược lại, TP HCM không có nguồn cung đất nền mới. Phần lớn nguồn cung trên thị trường đến từ các dự án mở bán trước đó hoặc các dự án có qui mô nhỏ, mang tính sở hữu cá nhân.
Việc đầu tư Sân bay Long Thành của Chính Phủ tại Đồng Nai, TP.HCM đề xuất phát triển TP Thủ Đức cộng với hàng loạt cầu đường kết nối không gian phát triển các tỉnh miền Đông Nam Bộ với TP.HCM đã tạo nên làn sóng thực sự sôi động cho thị trường bất động sản vùng ven trong thời gian qua.
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), các thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương có lợi thế giao thoa với TP.HCM và đang có tiềm lực phát triển kinh tế như Thuận An, Dĩ An thực sự đã trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển loại hình dự án nhà ở chung cư có giá phù hợp. Đây được đánh giá là loại sản phẩm mà TP.HCM đang khan hiếm và tiêu thụ rất tốt.