Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2020, quy mô về nguồn vốn tín dụng BĐS đạt 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế, không kể cho vay xây dựng. Trong số này, cho vay nhà ở chiếm 63%, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS.
TPHCM đã lên nhiều phương án sẵn sàng thu hút dòng vốn FDI. Nhà xưởng xây sẵn ở khu công nghiệp Tân Phú Trung, Đông Nam, Lê Minh Xuân 3… đang được xây dựng, hoàn thiện để đón nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó là nhà xưởng cao tầng để phục vụ các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.
Khu công nghệ cao TPHCM tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do đã hết quỹ đất nên đơn vị này sẽ thu hút các nguồn FDI chất lượng, công nghệ cao, có khả năng liên kết các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị trường giai đoạn 2019-2020 khác hoàn toàn so với thời điểm 2008-2009 khi thị trường xuất hiện bong bóng tăng trưởng ảo vì thời điểm đó nhiều doanh nghiệp đi vay và thế chấp tài sản ảo, chưa đủ pháp lý. Vì vậy, khi có nợ xấu, Ngân hàng muốn xử lý nợ xấu nhưng không thể thực hiện, chủ doanh nghiệp không thể trả được nợ, nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia mua lại dự án cũng không thể thực hiện được. Đó là sự bế tắc của cả ba bên.
Sau đó 2013-1019 thị trường bắt đầu phục hồi, nhiều chủ đầu tư bắt tay với các nhà phát triển để thực hiện dự án. Hiện nay, trao đổi với phía Ngân hàng, nhiều nơi vẫn có nợ xấu được thế chấp bằng BĐS nhưng khi xử lý lại gặp khó khăn về pháp lý. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy của vốn FDI vào Việt Nam.
Ông Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, nhận định, các nhà đầu tư thường không muốn dịch chuyển sản xuất sang vị trí quá xa so với Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong đón sóng đầu tư này. Động thái gần đây của Tập đoàn Apple liên tục đăng thông tin tuyển dụng nhân sự làm việc tại Hà Nội, TPHCM đã làm dấy lên những đồn đoán về việc hãng công nghệ này có thể mở thêm nhà máy tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho rằng, dòng vốn FDI vào BĐS đang đứng thứ 4. Dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại vẫn đang sẵn sàng để đổ vào thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên hoạt động M&A cũng có những rào cản nhất định nên thị trường chững lại dù nhiều nhà đầu tư vẫn muốn tham gia vào thị trường.
“Chúng tôi trao đổi với nhiều NĐT họ cho biết sẵn sàng tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam, thời điểm tháng 2, tháng 3 khi đang làm việc tại nhà do tình hình dịch bệnh thì vẫn nhận được những cuộc gọi quan tâm về thị trường BĐS Việt Nam”, bà Khanh cho hay.
Theo bà Khanh, phần lớn các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, một số NĐT tham gia vào thị trường phải thực hiện những giao dịch kéo dài 2-3 năm nhưng giao dịch chưa hoàn tất dù dòng tiền đã rất sẵn sàng vì gặp khó khăn bởi quy trình phê duyệt hiện tại. Việc rà soát chặt chẽ thủ tục pháp lý của các dự án góp phần làm tăng tính minh bạch thị trường nhưng cũng ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.
NĐT nước ngoài vẫn đang rất tự tin với thị trường BĐS Việt Nam. Còn ở góc độ người mua nhà, dù họ có tâm lý thận trọng nhưng nhiều NĐT đang quan tâm đến thị trường sơ cấp (mua từ chủ đầu tư) và trên cả thị trường thứ cấp nhiều người mua nhà vẫn đang tìm kiếm các sản phẩm có giá hợp lý mua để ở.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, trái phiếu doanh nghiệp tăng rất mạnh, trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản chính thức vượt mặt ngân hàng, dẫn đầu về khối lượng phát hành. Về vốn FDI, trong 8 tháng đầu năm nay, vốn FDI đổ vào bất động sản cũng đứng thứ 3 trong số các ngành nghề, chỉ sau lĩnh vực chế biến chế tạo và sản xuất điện.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ so sánh mặt bằng giá bất động sản nhà ở Việt Nam bao gồm cả TP.HCM với các thành phố khu vực như Bangkok, Singapore, Hongkong, Tokyo, đều thấy bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng cả về quy mô thị trường và giá trong tương lai.