Hiện tại, lãi suất tiền gửi đã giảm thêm 0,2-0,4 điểm % ở hầu hết ngân hàng thương mại lớn. Lãi suất tiền gửi hiện phổ biến ở mức 3-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; và 4,9-5,6%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Việc lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn ngắn vẫn tiếp tục đi xuống cho thấy xu hướng “tiền rẻ” vẫn chưa kết thúc trên thị trường ngân hàng. Trong đó, nguyên nhân chính đến từ việc thanh khoản hầu hết nhà băng vẫn dư thừa. Ngoài ra, việc cơ quan quản lý tiền tệ một lần nữa giảm một loạt lãi suất điều hành từ đầu tháng 10 (lần thứ 3 từ đầu năm) sẽ tiếp tục nối dài tình trạng dư thừa thanh khoản của ngân hàng thương mại.
Lãi suất huy động hạ cũng có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm lại. Trong 7 tháng đầu năm, tiền gửi người dân tăng 7,85% so với trung bình cùng kỳ các năm gần đây đều tăng trên 10%.
3 trên 4 nhà băng có quy mô lớn nhất hệ thống là Vietcombank, BIDV, VietinBank đã tiếp tục giảm lãi suất, đưa mức lãi cao nhất khi gửi tại quầy về dưới 6%. Riêng Agribank vẫn chưa có thông báo mới.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay nhóm “big 4” ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm xuống dưới 6%. Hiện nay, ngoài các nhà băng có vốn nhà nước, Techcombank và MB là hai ngân hàng tư nhân đang trả mức lãi chỉ 5,8% cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Bên cạnh đó, VPBank, Sacombank cũng tiếp tục giảm mạnh lãi suất dù hai ngân hàng này vừa có một đợt điều chỉnh vào đầu tháng 10.
Cụ thể, lãi suất tại VPBank áp cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm mạnh 0,4 điểm phần trăm. Lãi suất cho kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,05 điểm phần trăm. Khách hàng gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng, chỉ được trả từ 5,3-5,7% trong khi trước đó là 5,7-6,2%.
Tương tự, Sacombank cũng giảm sâu lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở với mức 0,2- 0,5 điểm phần trăm. Với kỳ hạn một năm, lãi suất giảm sâu từ 6,5% xuống 6%.
Báo cáo của BVSC cho rằng, có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán và bất động sản.