Trước diễn biến thị trường chuẩn bị đà hồi phục, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đi tìm “điểm vàng” đầu tư. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là lựa chọn dự án đầu tư như thế nào để đi trước đón đầu.
Tại Bình Dương, các thành phố trực thuộc tỉnh có lợi thế giao thoa với TP.HCM và đang có tiềm lực phát triển kinh tế như Thuận An, Dĩ An thực sự đã trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển loại hình dự án nhà ở chung cư có giá phù hợp (loại sản phẩm mà TP.HCM hiện đang khan hiếm và tiêu thụ rất tốt).
Bởi sự khan hiếm từ TP.HCM nên giá căn hộ tại đây cũng đã bị đẩy lên nhanh chóng, bất chấp thời kỳ Covid-19. So với năm 2019, giá căn hộ bình quân từ 25 – 30 triệu đồng/m2 đã bị đẩy lên mức từ 30 – 35 triệu đồng/m2, thậm chí 37 – 38 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 15%).
Lượng giao dịch tuy không lớn, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 25% nhưng có thể nói, tiềm năng loại sản phẩm này tại Bình Dương là rất lớn, rất có khả năng phát triển mạnh trong năm 2021.
Tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp Đông TP.HCM và có sự tăng trưởng kinh tế vững mạnh, đặc biệt là sự đầu tư sân bay Long Thành đã khiến khu vực này tăng trưởng phát triển các dự án đất nền, đồng thời đẩy giá đất tăng mạnh. Nếu trong năm 2019, giá đất bình quân tại Đồng Nai dao động trong khoảng 12 – 14 triệu đồng/m2 thì ngay đầu năm 2020 bị đẩy mạnh lên bình quân 22 triệu đồng/m2. Sau khi vấp phải các hoạt động quản lý của chính quyền địa phương, cộng với khủng hoảng do dịch bệnh, giá đất hiện tại đã giảm còn 15 – 18 triệu đồng/m2.
Tại thị trường miền Bắc, điển hình là Quảng Ninh, báo cáo của VARs cho biết, mặc dù là thị trường lớn và có quãng thời gian sôi động trước đó, nhưng hiện nay thị trường bất động sản Quảng Ninh có dấu hiệu chậm phát triển và ít giao dịch.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản tại Hà Nội xuất hiện nghịch lý khi iá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30 – 40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20-30 triệu đồng /m2…
Đáng chú ý, do khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc… Đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành Quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển bất động sản lớn, có công bố quy hoạch cho sự phát triển đô thị…
Thị trường Hải Phòng cũng ghi nhận chủ yếu là các dự án đất nền được chào bán trong quý III với nguồn cung đạt 1.200 sản phẩm, lực hấp thụ đạt 50%. Giá bán đất nền tại các dự án trong TP. Hải Phòng khoảng 30 triệu đồng/m2. VARs cho biết trong quý III/2020, thị trường giao dịch mạnh ở phân khúc đất nền, nhất là khu vực trung tâm thành phố và ven các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang.
Đối với phân khúc chung cư, Hội nhận định thị trường vẫn đứng giá, giao dịch chậm, không có dự án mới hay sản phẩm mới chào bán.
Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, trong quý III/2020, nguồn cung các dự án đã xong hạ tầng và pháp lý (có sổ đỏ) hiện khan hiếm. Song một số dự án tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn dành được rất nhiều sự quan tâm của khách hàng có nhu cầu ở thực và đầu tư bền vững. Tỷ lệ hấp thụ đạt hơn 60% mỗi đợt chào bán.
Còn tại Nha Trang – Khánh Hòa, cũng giống như các đô thị lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng) suốt thời gian từ 2019 đến nay, địa phương này nói chung rất hiếm dự án bất động sản mới được phê duyệt. Thị trường giao dịch ảm đạm, giá đất giảm sâu từ 20 – 30%. Tuy nhiên, ở đây vẫn có điểm sáng là các dự án nằm tại những khu vực có quy hoạch phát triển, tiềm năng cao, đã được đầu tư hạ tầng cơ bản, có giá khởi điểm ở mức thấp… Các dự án này được khách hàng và nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu một cách sôi động. Tiêu biểu có thể kể đến: đất nền khu vực Tây Nha Trang, Bắc TP. Nha Trang, khu vực Bắc Vân Phong, Cam Lâm… Dự kiến những khu vực này sẽ có biến động mạnh về giao dịch ở giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Ghi nhận thực tế cho thấy giá tăng mạnh nhất tại những khu vực có hạ tầng phát triển đột phá. Tại Hà Nội, khu vực Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hoài Đức…đạt mức tăng trưởng giá từ 10%-30% so với hồi đầu năm do hàng loạt tuyến đường lớn đang được hoàn thành như Tuyến vành đai 3,5, tuyến metro dọc trục Đại Lộ Thăng Long vừa được phê duyệt và nút hầm chui Lê Văn Lương – Tố Hữu vừa được khởi công. Còn tại TPHCM, khu vực thành phố mới phía Đông như quận 9, Thủ Đức…ghi nhận mức tăng mạnh mẽ lên đến 30% khi thành phố Thủ Đức vừa được phê duyệt.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng tỷ lệ trống vẫn đang gia tăng ở nhiều trung tâm thương mại. Theo báo cáo cập nhật tình hình thị trường quý III/2020 của CBRE công bố, mặc dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng hoạt động kinh doanh bán lẻ vẫn gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hành vi người tiêu dùng, thiếu hụt vốn và duy trì chuỗi cung ứng. Ở khu vực trung tâm, mặc dù có lợi thế về vị trí và nguồn cung hạn chế, nhưng tỷ lệ trống vẫn tăng 10,33 điểm phần trăm so với quý trước và 9,71 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III/2020 vừa qua, lên tới 11,05%.
Trước tình trạng quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, giá đất ngày càng tăng cao, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng đầu tư về các tỉnh có tiềm có tiềm năng phát triển kinh tế.