Những năm qua, không riêng TP.HCM, ở khắp các tỉnh thành khác xuất hiện các loại hình BĐS mới như condotel, office-tel, shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng. Ngoài đáp ứng nhu cầu thực tế, đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường, hành lang pháp lý của các loại hình BĐS có yếu tố đặc thù này đang được tiếp tục hoàn thiện để điều chỉnh.
Ở phân khúc nghỉ dưỡng, biệt thự, nguồn cung và sức cầu tăng nhẹ. Theo đó, thị trường đón nhận 3 dự án mở bán, cung ứng 152 căn biệt thự biển, tăng 19% so với quý trước và tăng 77% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 39% nguồn cung mới (khoảng 59 căn), tăng 4.5 lần so với quý 2 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Sức cầu của thị trường tăng nhẹ trong quý nhưng mức tăng không đáng kể. Phân khúc nhà phố/shophouse trong khu phức hợp dần phục hồi và tiếp tục thu hút sự quan tâm của thị trường.
Bất động sản nghỉ dưỡng và condotel thì cho thấy sức cầu tiếp tục xu hướng giảm. DKRA ghi nhận 1 dự án condotel mới mở bán, cung cấp ra thị trường 71 căn condotel, chỉ bằng 27% so với quý 2 và bằng 3% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ tiêu thụ đạt 39% nguồn cung mới, bằng 20% so với quý 2, nhưng chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm trước. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý 2/2019 đến nay.
Vướng mắc, bất cập trong vận hành, quản lý sử dụng tòa nhà có chức năng condotel, office-tel do có nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng; thiếu quy định pháp lý ràng buộc trong quan hệ hợp đồng giữa nhà đầu tư ban đầu và nhà đầu tư thứ cấp; địa phương lúng túng trong việc cấp giấy tờ sở hữu cho condotel, office-tel, biệt thự nghỉ dưỡng…
Ngoài ra, khi kinh doanh gặp khó khăn, một số chủ đầu tư xin chuyển đổi loại hình condotel, office-tel sang căn hộ ở, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu vực.
Do đó, cuối tháng 9/2020 Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị các địa phương khi xem xét, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng… cho các dự án đầu tư xây dựng có bố trí condotel, office-tel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng, cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Theo ghi nhận của DKRA Việt Nam, trong quý 3/2020, phân khúc nhà phố và biệt thự có nguồn cung giảm nhẹ. Có 629 căn được cung cấp ra thị trường đến từ 6 dự án, giảm 14% so với quý trước nhưng tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 66% nguồn cung mới (khoảng 416 căn), giảm 18% so với quý 2 và tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thị trường đất nền TPHCM không có dự án mở bán, nguồn cung trên thị trường chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó.
Còn tại những khu vực mới nổi như tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, giá nhà đất hiện dao động ở mức 20 – 30 triệu đồng/m2 (tùy vị trí), có những nền đất thổ cư mặt tiền đường lớn giá cán mốc 40 – 50 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý về thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng chỉ ra là tình trạng lệch pha cung – cầu bất động sản. Nguồn cung nhà ở phân khúc trung, cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm 20-30% thị trường; nhu cầu nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp (giá dưới 25 triệu đồng/m2) lại chiếm đến 70-80% thị trường.
Trong khi đó, giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019; tại thành phố Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Các báo cáo thị trường BĐS quý 3/2020 cho thấy, đất nền vẫn khan hiếm nguồn cung, condotel chưa có dấu hiệu khả quan. Điểm nổi bật trong quý là thành phố Thủ Đức đang thúc đẩy tâm lý cho nhà đầu tư.