Theo dữ liệu lịch sử thì tỷ lệ trung bình gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 9 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 trung bình là 21,9%.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2020 do Cục quản lý đăng ký kinh doanh công bố là 38.629 doanh nghiệp, tăng đến 81,8% với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ tăng này còn lớn hơn một số lĩnh vực được coi là ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 như dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.414 doanh nghiệp, tăng 120,3%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (305 doanh nghiệp, tăng 102,0%)…
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2020 của lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng tăng mạnh mẽ. Có tới 8/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng, trong đó kinh doanh bất động sản đứng “top” đầu với tỷ lệ tăng là 50,3%.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế khó khăn, chật vật. Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Covid-19 làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản.
Mặc dù chịu nhiều tác động song ông Lê Hoàng Châu cho biết, bất động sản không xuất hiện tình trạng giảm giá mạnh.
“Nhìn chung giá nhà có xu thế tăng trong các năm qua và ngay trong thời gian đại dịch Covid-19”, ông Châu cho biết. Đặc biệt giá nhà sơ cấp vẫn “neo” cao. Nguyên nhân được ông Châu lý giải là do chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng và giữ giá.
Trong báo cáo vừa phát hành, đại diện JLL cũng cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, để gia tăng doanh số các chủ đầu tư không giảm giá mà thay vào đó đưa ra những chính sách bán hàng hấp dẫn như gia hạn lịch thanh toán, hỗ trợ thời gian ân hạn lãi suất dài hơn, hoặc tặng phí quản lý trong 2 năm.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, 100% các sàn giao dịch, cá nhân môi giới bất động sản chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh; vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch. Điều này khiến hàng nghìn môi giới không chỉ rơi vào tình trạng phải chuyển nghề, thậm chí mất luôn “kế sinh nhai”.
Sau COVID-19 lần thứ 2, tại Đà Nẵng, tuy bất động sản (BĐS) rớt giá mạnh nhưng sức giao dịch vẫn rất yếu, hàng loạt nhân viên các sàn giao dịch “ngồi chơi xơi nước”, nhiều người chuyển sang làm shipper để kiếm thêm thu nhập.
Thời thị trường BĐS Đà Nẵng sôi sục (năm 2018 và đầu năm 2019), Hải (nhân viên một sàn bất động sản ở Đà Nẵng) luôn “cháy” điện thoại vì khách gọi giao dịch liên tục.
Theo ghi nhận, tại các dự án BĐS một thời được quảng cáo với những tiện ích như “thiên đường”, giờ đang trong tình trạng ảm đạm chưa từng có. Các ki ốt đóng cửa then cài suốt nhiều tháng nay vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơn sốt đất trước đây khiến giá đất tăng gấp đôi, thậm chí nhiều hơn do cơ chế đầu tư lướt sóng. Giá đất đã chạm ngưỡng cũng như bong bóng căng hết mức, ép quá sẽ vỡ. Cùng với sự xuất hiện của COVID-19, đất tại Đà Nẵng rớt giá là điều tất yếu.
Trong đợt dịch thứ hai vào tháng 7 vừa qua, nhiều chủ nhà đã có các động thái nhằm hỗ trợ khách thuê như giảm giá mặt bằng 20-50% trong thời điểm dịch bệnh để giữ chân khách thuê cũ hoặc thu hút khách mới. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có tài chính yếu, doanh thu không đảm bảo theo kế hoạch khiến họ buộc phải bỏ cuộc dù nắm lợi thế khi sở hữu vị trí đắc địa.
Khi chưa xuất hiện Covid-19 thì năm 2019, thị trường bất động sản cũng đã có dấu hiệu chững lại. Covid-19 được đánh giá như một “cú bồi” khiến tình hình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Kể từ khi các vấn đề pháp lý bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2018, thị trường khan hiếm nguồn cung khi nhiều dự án đang dừng do chậm trễ trong quá trình phê duyệt.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)
Theo Phụ Nữ Mới