Những năm gần đây, nhiều khu đô thị có diện tích hàng trăm hecta đã và đang được triển khai tại các thành phố lớn, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, việc xây dựng các khu đô thị hiện còn gặp nhiều thách thức về quy hoạch và tạo lập quỹ đất.
Để giá đất “thân thiện” hơn với doanh nghiệp và người dân, trở thành động lực thúc đẩy thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung đã đến lúc bỏ quy định về khung giá đất.
Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho biết, ở Việt Nam và trên thế giới, những khu đô thị lớn được gọi là mega city có quy mô từ 10 triệu dân trở lên (không nói đến diện tích). Theo ông Cương, xu hướng phát triển đô thị bằng các dự án lớn là đúng đắn và cần được ủng hộ. Đô thị không phát triển bằng nhà ở riêng lẻ hoặc các dự án vài hecta manh mún. Tính ưu việt của các khu đô thị lớn là được quy hoạch bài bản, có nhiều cấp độ khác nhau từ các trục đường lớn – nhỏ, cùng các hệ thống hạ tầng khác như cấp thoát nước, đường điện…
Nhắc đến thực trạng hiện nay, ông Cương cho rằng TPHCM chưa hình thành được nhiều khu đô thị lớn, số lượng còn quá ít. Thành phố cần phải có chương trình với những bước đi cụ thể thì mới làm tốt được những dự án lớn. Nhìn chung, hiện trạng đô thị TPHCM hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Ngoài ra, cơ chế xác định giá đất dựa trên khung giá đất ban hành 5 năm một hiện nay đang tạo ra khoảng cách rất lớn giữa giá đất do Nhà nước quy định so với giá thực tế trên thị trường.
Có thể dẫn ra ví dụ như trường hợp áp dụng cơ chế xây dựng khung giá đất, bảng giá đất để xác định giá đất tại 03 tuyến đường có mức giá cao nhất là Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ thuộc quận 1 TP HCM (đô thị đặc biệt). Giá của Nhà nước là 405 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thị trường ở mức trên 1 tỷ đồng/m2.
“Doanh nghiệp làm dự án nhà ở thì bồi thường cho người dân rất cao, làm dự án công ích cho nhà nước thì nhà nước bồi thường quá thấp. Chúng tôi đề nghị phát huy vai trò của Trung tâm phát triển quỹ đất, đảm bảo sự công bằng trong bồi thường. Xong rồi quỹ đất sạch đó đưa ra đấu giá theo đúng quy định Luật Đất đai, nhà đầu tư không phải lo vấn đề quỹ đất, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Có thể thấy, hai vấn đề lớn là quy hoạch và quỹ đất phải được giải quyết đồng bộ, gắn chặt với nhau để giải quyết vướng mắc trong xây dựng khu đô thị lớn. Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, quy hoạch và phân bổ nguồn tài nguyên đất đai phải hợp lý, gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Cần khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện nay, việc tính giá đất căn cứ đầu tiên là khung giá đất do Chính phủ ban hành 5 năm một lần (theo quy định tại điều 113, Luật Đất đai 2013). Sau đó, UBND các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào khung giá đất và căn cứ vào thực tế tại địa phương sẽ quy định hệ số điều chỉnh giá đất hay chính là hệ số K tại từng địa phương. Những quy định tưởng như rất chặt chẽ trên đây lại đang bộc lộ hạn chế và chưa “mang hơi thở của cuộc sống”.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có quy định về việc điều chỉnh khung giá đất khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên. Tuy nhiên, nhiều năm qua Bộ TN&MT và các địa phương vẫn “quên” chưa trình Chính phủ thực hiện điều chỉnh khung giá đất, dù giá thị trường đã có nhiều biến động.
Do đó, HOREA thống nhất với UBND TP HCM kiến nghị bãi bỏ quy định “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần” tại Điều 113 Luật Đất đai. Trong lúc chưa sửa đổi Luật Đất đai, HOREA đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thí điểm giao TP HCM chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất theo giá thị trường.
“Rất nhiều doanh nghiệp gặp phải vấn đề có những thửa đất “da báo” không thể giải phóng được, hoặc không thỏa thuận được với người dân, tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án. Chúng tôi vẫn bảo vệ quan điểm phải tạo lập quỹ đất, sau đó tổ chức đấu giá để thu hồi tiền cho ngân sách”, ông Thọ cho biết thêm.
Xu hướng phát triển hình thành các khu đô thị lớn là tất yếu trong quá trình phát triển của các đô thị. Đây cũng là lời giải cho bài toán phát triển bền vững, giúp giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm, nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo nên các tâm điểm phát triển mới về kinh tế – xã hội. Do đó, rất cần có cơ chế thuận lợi, thống nhất để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng khu đô thị.
Kiên Cương
(Tổng Hợp)
Theo Phụ Nữ Mới