“Mỗi cơ quan (Thanh Tra, Công an, Kiểm toán) có một chức năng riêng và khi các bên có sự hỗ trợ, phối hợp, chia sẻ thông tin với nhau sẽ rất hữu hiệu trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo quy định của pháp luật, giúp dự án hiệu quả, chất lượng. Cùng với đó, nhờ các cơ quan tham gia ngay từ đầu, nên khi dự án thi công xong, các thủ tục thanh quyết toán cũng nhanh hơn”. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.
3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam gồm: Mai Sơn – QL45; Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây, với tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỉ đồng, đã được khởi công đồng loạt.
Trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu cũng được yêu cầu phải kê khai rõ tỷ lệ nhà thầu phụ sẽ thực hiện…Nhà thầu vượt qua vòng năng lực khi đạt tổng điểm từ 70% trở lên, có điểm kỹ thuật của mỗi tiêu chí tổng quát tối thiểu bằng 70% của số điểm tối đa theo tiêu chí đó. Sau đó, các nhà thầu sẽ tiếp tục được đánh giá về hồ sơ tài chính, giá chào thầu.
Bộ GTVT cho biết, hết thời gian mở thầu, Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dầu Giây – Phan Thiết), Ban Quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư đoạn (Vĩnh Hảo – Phan Thiết) đã nhận 44 hồ sơ dự thầu tại 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án. Trong đó có 34 liên danh (mỗi liên danh tối đa 3 nhà thầu) và 10 nhà thầu độc lập.
Tính ra, có tới hơn 100 doanh nghiệp xây dựng giao thông tham gia đấu thầu thi công 3 đoạn cao tốc. Theo Bộ GTVT, đây là dự án giao thông có số lượng hồ sơ dự thầu, số nhà thầu lớn nhất từ trước tới nay. Trong số 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án, Bộ GTVT chia theo quy mô khác nhau, từ 900 tỷ đồng tới hơn 3.300 tỷ đồng, điều này để thu hút nhiều nhà thầu tham gia theo năng lực của mình, cũng không quá nhỏ để trở thành manh mún.
Đặc biệt, để triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam, đặc biệt là các dự án đầu tư công, đảm bảo công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, đầu tháng 9, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tham gia giám sát thực hiện dự án ngay từ giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thi công, nghiệm thu… Cùng với đó, đại diện Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Công an cũng tham gia giám sát quá trình mở thầu của các ban quản lý dự án. Cùng với đó, ngoài hồ sơ gốc do bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật, một bản sao hồ sơ dự thầu được cất vào thùng riêng, niêm phong với chữ ký các bên liên quan, để nếu quá trình chấm thầu có phát sinh có thể lấy hồ sơ này ra đối chứng. Đây là một trong các giải pháp để Bộ GTVT ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, thông đồng trong đấu thầu.
Ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc đề nghị Công an, Thanh tra, Kiểm toán tham gia vào các dự án ngay từ đầu không phải gọi là giám sát mà là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với nhau. Theo ông Đông, trước đó các dự án như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ GTVT đã mời các cơ quan cùng tham gia.
PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, để lựa chọn được các nhà thầu xây lắp tốt nhất, trước hết, bên mời thầu cần công khai, minh bạch. Khi chấm thầu, hồ sơ năng lực, kinh nghiệm, tài chính phải có chứng cứ rõ ràng, sản phẩm cụ thể, không chỉ căn cứ vào năng lực trên “giấy” theo kê khai của nhà thầu. Trước đây, đã xảy ra tình trạng nhiều nhà thầu đi “mượn” năng lực của đơn vị khác để dự đấu thầu. Điều này phải ngăn chặn. “Quan trọng là khâu giám sát thi công, hậu kiểm, vì đôi khi đấu thầu rất công phu, bài bản nhưng không có cơ chế kiểm soát hậu đấu thầu thì rất dễ dẫn tới những hệ lụy khôn lường”, ông Chủng nói.
Được biết, dự án cao tốc Mai Sơn – QL45 dài 53,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 12.343 tỉ đồng; cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 100,8 km, tổng mức đầu tư khoảng 11.183 tỉ đồng; cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99 km, tổng mức đầu tư khoảng 13.656 tỉ đồng.
5 dự án còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP gồm: QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Để tham gia đấu thầu thi công 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam đầu tư công, Bộ GTVT đưa ra tiêu chí, các nhà thầu phải có kinh nghiệm hoạt động xây dựng công trình giao thông ít nhất 5 năm trở lên; trong 5 năm gần đây, nhà thầu phải từng thực hiện dự án có giá trị bằng ít nhất 70% giá trị gói thầu dự thầu. Về tài chính, nhà thầu phải có xác nhận của tổ chức tín dụng về số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu, số dư tối thiểu này chỉ áp dụng cho 1 gói thầu. Với nhà thầu liên danh tối đa không quá 3 thành viên, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất và từng thành viên phải đảm nhận ít nhất 25% giá trị gói thầu.
Vinaconex, Trung Chính, Cường Thịnh Thi, Đạt Phương… là những doanh nghiệp đầu tiên có tên trong danh sách nhà thầu thi công 3 dự án cao tốc Bắc – Nam.
Kiên Cương
(Tổng hợp)
Theo Phụ Nữ Mới