Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho biết: Hiện đang có sự dịch chuyển các nhà đầu tư ra khỏi Hà Nội, TP.HCM để tìm đến một số địa phương có tiềm năng.
Làn sóng đầu tư dự án bất động sản ở các tỉnh lẻ dồn dập hơn trong vài năm trở lại đây. Thời gian trước, khu vực trung tâm các đô thị lớn được ví như “đất vàng” là sự lựa chọn hàng đầu của các “ông lớn” địa ốc, thì nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư, khai phá các vùng đất mới.
Tại hội thảo “Bất động sản 2021 và Sự trỗi dậy của những thị trường mới”, diễn ra sáng nay (26/9) tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, các diễn giả góp mặt cũng đã có những phân tích xung quanh xu hướng này.
Hội thảo “Bất động sản 2021 & Sự trỗi dậy của những thị trường mới” diễn ra sáng nay (26/9) với sự góp mặt của nhiều chuyên gia.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho biết: Hiện đang có sự dịch chuyển của các nhà đầu tư ra khỏi Hà Nội, TP.HCM để tìm đến một số địa phương có tiềm năng, có thị trường mới.
Lý giải về điều này, ông Đính cho biết, thị trường bất động sản ở Hà Nội, TP. HCM đang ngày càng khan hiếm về quỹ đất, sản phẩm để có thể đầu tư không có nhiều.
Đặc biệt đối với phân khúc chung cư, ông Đính cho rằng khả năng sinh lời là cực kỳ thấp. Thậm chí không có lợi nhuận bởi hàng hoá thì khan hiếm, giá cả thì đã đạt đỉnh. “Giá cao, nếu mua để lướt sóng thì không thể có lãi” – ông Đính nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng đầu tư vào chung cư Hà Nội không hấp dẫn.
Tại TP.HCM, ông Đính cho biết: Trong 2 năm trở lại đây, không có nhiều dự án mới, giá cũng đang có sự tăng khá mạnh, bình quân giá tăng 5 – 7%, thậm chí có khu vực trên 10%.
Về nguyên tắc đầu tư, nhà đầu tư sẽ rót vốn vào thị trường có khả năng sinh lời tốt, giá còn ở ngưỡng thấp. Chính bởi điều này nên xuất hiện sự dịch chuyển vốn đầu tư sang các thị trường mới.
“Thị trường mới” ở đây được ông Đính định nghĩa là địa phương bắt đầu có sự phát triển mạnh về kinh tế, trong đó có lợi thế phát triển công nghiệp, kinh tế du lịch cùng với nhiều lợi thế khác.
“Các nhà đầu tư quan tâm đến các địa phương có giá bất động sản còn đang ở ngưỡng thấp, ở thị trường đó có sự đầu tư mạnh, đất đai chỉ dao động ở giá trên dưới 10 triệu đồng là những con số được quan tâm” – ông Đính chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn – cho hay: Các con số thống kê đã phản ánh xu hướng quan tâm hơn của các nhà đầu tư đối với các thị trường mới.
Theo vị này, lượng tìm kiếm thông tin bất động sản trước đây chủ yếu nhắm tới thị trường Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, xu hướng 2 năm gần đây thì lượng tìm kiếm tại các thị trường khác bắt đầu tăng lên rõ rệt. Đơn cử như thị trường Quy Nhơn (Bình Định), lượng tìm kiếm từ quý II/2020 so với quý I/2020 đã tăng 30%.
“Điểm chung nhận thấy đó là khi có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, di chuyển đi lại dễ dàng khiến lượng người quan tâm bất động sản ngày càng nhiều hơn” – ông Nguyễn Quốc Anh nói.
TS. Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng – cũng cho rằng hạ tầng giao thông chính là vấn đề quyết định của phát triển đô thị, thị trường bất động sản.
“Nhà đầu tư tư dễ “sa lầy” nếu đầu tư bất động sản vùng không phát triển hạ tầng giao thông” – ông Lịch nói nhiều địa phương không có hạ tầng giao thông sẽ không có ngày như hôm nay.
Theo ông Lịch, Hà Nội, TP.HCM vẫn còn nhiều cơ hội. Hai địa phương này vẫn còn quỹ đất để phát triển nhưng lại bị bó hẹp vì vấn đề hạ tầng giao thông. Nhiều địa phương đã đặt mục tiêu và quyết tâm dùng giao thông để kích hoạt thị trường, thu hút nhà đầu tư.
Nguyễn Mạnh