PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng, quy hoạch sử dụng đất phải đi vào thực tế, phải đáp ứng nhu cầu sử dụng, khả năng chi trả của doanh nghiệp. Đồng thời phải dựa trên sự hút vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, sự tham gia ổn định sinh kế của người dân sản xuất kinh doanh.
Sáng ngày 24/9, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ GTVT, các chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo hơn 100 doanh nghiệp.
Đóng góp tham luận tại hội thảo về vấn đề quy hoạch đất đai đối với phát triển đô thị TP. HCM, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất, Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay cách đây gần 250 năm, tức vào năm 1772, Thống suất Nguyễn Cửu (Nhà Nguyễn) đã lập quy hoạch đầu tiên tại khu vực TP.HCM. Và, TP.HCM ngày nay đang dựa trên chính quy hoạch này để phát triển khu vực.
Ông Thọ cho hay, người Pháp từ năm 1862 đã xây dựng TP.HCM với quy mô 500.000 dân, nhưng đến hiện tại, vùng TP.HCM đã gấp 3 lần Singapore và gấp 2 lần Hồng Kông.
Dù vậy, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ khẳng định, để phát huy hết tất cả những tiềm lực của Thành phố, việc quan trọng nhất là quy hoạch sử dụng đất TP.HCM sẽ như thế nào.
“Quy hoạch của chúng ta ngày hôm nay sẽ dùng được trong 200 năm nữa không?”, ông Thọ nêu vấn đề.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ. Ảnh: Thế Toàn.
Lấy ví dụ về Hà Nội, ông Thọ cho biết, từ năm 1990, Hà Nội đã được quy hoạch với 30 khu vực đô thị vệ tinh xung quanh, đặc biệt khu vực Long Biên và bên kia sông Hồng, nhưng chỉ khi Vingroup gia nhập, các khu vực vệ tinh mới hình thành.
Ông đánh giá, quy hoạch sử dụng đất phải đi vào thực tế, phải đáp ứng nhu cầu sử dụng, khả năng chi trả của doanh nghiệp và phải được hình thành một cách tự nhiên. Nó phải dựa trên sự hút vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, sự tham gia ổn định sinh kế của người dân sản xuất kinh doanh.
“KĐT có vẻ đẹp như thế nào đi chăng nữa mà không có doanh nghiệp thì không thể phát triển đại đô thị”, ông Thọ khẳng định. Do đó, “khâu” quy hoạch sử dụng đất được đánh giá rất quan trọng. Từ đó, ông Thọ phân tích những yếu tố tác động chính ảnh hưởng tới quy hoạch.
Trước hết, đó là tiền thuê đất (yếu tố quyết định giá đất). Yếu tố này sẽ quyết định năng lực chi trả của doanh nghiệp, người dân. Bởi lẽ, những lô đất có giá trị cao nhất, thường nằm ở trung tâm đô thị.
Nhân tố thứ hai ông Thọ đề cập là khoảng cách tới trung tâm (yếu tố tác động tới việc quy hoạch sản xuất). Theo đó, các lớp sử dụng đất được quy hoạch dựa trên tầm nhìn dài hạn về các đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh trong tương lai và phân phối hợp lý giữa đất đô thị và đất khu công nghiệp, đất nông nghiệp theo các lớp từ trung tâm như sau:
Trung tâm kinh doanh, thương mại; trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng; đất nhà ở tập thể, chung cư, nhà ở xã hội; đất biệt thự đơn lập; đất khu sản xuất, kinh doanh công nghiệp và dịch vụ; đất trồng rau, trồng hoa ngắn ngày phục vụ đô thị; đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm. Xây dựng không gian đô thị phải được xác định quy hoạch dựa trên quy hoạch mặt đất, tầng ngầm, tầng không, mặt biển, mặt nước,…
Ông Thọ nhấn mạnh, các nước đã đi trước 1 bước trong quy hoạch ngầm. “Nếu không thực hiện tốt việc phát triển hệ thống ngầm, chúng ta sẽ gặp khó khăn”, ông nói. Bên cạnh đó, ông Thọ cho rằng, quy hoạch mặt đất cũng phải đảm bảo giải quyết vấn đề giao thông. Giải thích lập luận này, ông nói, kinh tế có 2 chi phí là tiền thuê đất và vận tải.
“Trên thế giới, không có một đại đô thị nào mà 1 cá nhân di chuyển (vận tải) – 1 phương tiên cá nhân. Nó tạo ra nhiều vấn đề về môi trường xã hội. Do đó, khi xây dựng quy hoạch, chúng ta cần tuân thủ quy tắc, hình thành theo nguyên tắc kinh tế. Nếu không, hình thành các vùng mà người dân thấy không đáng sống và không muốn sống tại các khu vực này”, ông Thọ phân tích thêm.