Sau động thái hạ lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng xuống mức rất thấp vừa qua, các chuyên gia dự đoán lãi suất tiền gửi vẫn còn dư địa giảm trong tháng 9, tuy nhiên không loại trừ khả năng tăng nhẹ trở lại vào những tháng cuối năm.
Vừa qua, nhiều ngân hàng đã có động thái giảm tiếp lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống mức rất thấp. Cụ thể như Vietcombank giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3.3%/năm, kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 3.6%/năm, 6 tháng còn 4.2%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 6%/năm.
Tại kỳ điều chỉnh lãi suất ngày 15/09/2020, HDBank hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-5 tháng là 3.8%/năm, kỳ hạn từ 6-11 tháng là 5.8%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, với số tiền gửi tiết kiệm từ 100 tỷ đồng trở lên là 7.4%/năm, số tiền dưới 100 tỷ đồng áp dụng mức lãi suất 6.4%/năm.
Cùng ngày 15/09/2020, Techcombank cũng hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy ở tất cả các kỳ hạn từ 0.15-0.4 điểm phần trăm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn thấp nhất được áp dụng là 2.65%/năm đối với khách hàng thường, dưới 50 tuổi, số tiền gửi dưới 1 tỷ đồng cho kỳ hạn 1 tháng; còn khách hàng trên 50 tuổi cùng điều kiện sẽ được hưởng mức lãi suất 2.9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, kỳ hạn 3 tháng có lãi suất từ 2.85-3.3%/năm cho các loại khách hàng, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất từ 4.4-5%/năm…
Tại kỳ điều chỉnh ngày 17/09/2020 vừa qua, NCB cũng giảm 0.2 điềm phần trăm lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng còn 6.85%/năm, kỳ hạn 9 tháng còn 6.95%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 7.1%.năm.
Eximbank cũng giảm 0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng tại kỳ điều chỉnh ngày 18/09/2020, chỉ còn 6.3%/năm.
Trước động thái này, bà Nguyễn Hoài Thu Thảo – Giám đốc Nguồn vốn và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng Shinhan cho biết, thanh khoản tiền tệ trong hệ thống ngân hàng nhiều khả năng vẫn duy trì trạng thái dồi dào. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại và nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam những tháng cuối năm 2020. Hơn nữa, ngày 14/08/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 08/2020/TT-NHNN lùi 01 năm đối với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Thông tư này góp phần làm giảm áp lực tăng lãi suất tiền gửi, các NHTM sẽ có thêm nguồn lực để mở rộng các gói tín dụng trung và dài hạn cho khách hàng. Tăng trưởng tín dụng vẫn dự báo ở mức thấp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, lãi suất có thể tăng nhẹ trở lại vào những tháng cuối năm do nhu cầu thanh toán cao (yếu tố mùa vụ cuối năm tài chính). Như vậy, dự đoán lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn còn dư địa giảm nhẹ trong tháng 9 trước khi có thể tăng nhẹ vào tháng cuối năm 2020, nhưng mặt bằng chung vẫn ở mức thấp.
Về phía các CTCK, trong Báo cáo nhận định về Thông tư số 08/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và vấn đề lãi suất, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng xu hướng giảm sẽ tiếp tục duy trì trên lãi suất huy động. Lãi suất huy động đã giảm tương đối trong tháng 8 và ngay tuần đầu tháng 9 cũng chứng kiến các kỳ hạn đồng loạt giảm 5-10 điểm cơ bản, đưa lãi suất giảm 65 – 85 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, VCBS duy trì dự báo lãi suất huy động có thể giảm 80 – 100 điểm cơ bản tại các kỳ hạn trong cả năm nay.
Trong khi đó, trong Báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 14-18/09, Bộ phận Phân tích CTCK SSI (SSI Research) cũng nhận định rằng chênh lệch huy động – tín dụng nới rộng khiến tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng nên lãi suất tiền gửi vẫn có thể giảm tiếp trong thời gian tới.
Tại Họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020 của NHNN ngày 22/09, liên quan đến giảm lãi suất điều hành, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Trong thời gian đại dịch Covid-19 có đến 185 lượt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Việt Nam đã thực hiện 4 lượt cắt giảm lãi suất. Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất nếu cần thiết”.
Cũng theo Phó Thống đốc NHNN, đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, NHNN đảm bảo tín dụng không lâm vào rủi ro và hạn chế thấp nhất gia tăng của nợ xấu. “Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ ngân hàng, căn cứ vào đó và sức khoẻ của hệ thống ngân hàng, mức độ thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở những thời điểm khác nhau để quyết định điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất, nếu cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống ngân hàng“, Phó Thống đốc chia sẻ tại họp báo.
Cũng tại buổi họp báo trên, ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, tính đến ngày 15/09/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7.58% so với cuối năm 2019. Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4.75% và đến ngày 16/9/2020 tín dụng đã tăng 4.81%.
Đề cập thêm về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Đầu năm, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên nhu cầu vốn rất thấp. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2019, NHNN sẽ cân nhắc điều chỉnh đối với từng TCTD“.
Về lãi suất cho vay, ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Với các ngân hàng, tác động lớn nhất là cầu tín dụng rất thấp. Mặc dù các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp, NHNN cũng nới room cho tất cả các ngân hàng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng, song số lượng khách hàng có nhu cầu vay vẫn rất ít.
Theo số liệu từ NHNN cho biết, đến ngày 14/09/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1.18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0.5-2.5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1.6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Cát Lam