TP Thủ Đức cần tạo dựng vị thế mới mẻ, riêng biệt nhưng đầy sức thu hút. Muốn vậy, phải hiểu rõ các tiềm năng của khu vực này để xây dựng viễn cảnh phát triển trong tương lai của TP
Gần 10 năm trước, TP HCM từng đưa ra ý tưởng “TP trong TP” khi đề xuất tạo cơ chế cho 4 TP Đông – Tây – Nam – Bắc. Mỗi TP có một chính quyền đô thị riêng, trực thuộc chính quyền đô thị TP HCM, được thiết kế theo hướng phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm để tạo một cơ chế phát triển chủ động và độc lập. Trên thực tế, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng điều này và thực sự đã tạo nên những địa chấn như “Kỳ tích phố Đông – Thượng Hải” của Trung Quốc hay quận Gangnam ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc…
TP Thủ Đức được thành lập với kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao ở khu vực phía Đông TP HCM – một đầu tàu, động lực mới trong phát triển kinh tế vùng và cả nước. Để hiện thực hóa những kỳ vọng này, phát triển TP sáng tạo Thủ Đức phải quan tâm tới một số vấn đề mang tầm chiến lược.
Quy hoạch cấu trúc liên vùng
Quy hoạch TP Thủ Đức phải nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh. Không chỉ đơn giản là gom 3 quận thành 1 theo cơ sở địa giới hành chính. TP Thủ Đức muốn trở thành động lực phát triển kinh tế, có chất lượng tri thức và đời sống cao, cần có quy hoạch cấu trúc chiến lược cho toàn vùng (bao gồm cả TP HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đô thị lân cận…) để có định hướng phát triển tổng thể một khu Đông Sài Gòn xứng tầm, không quy hoạch manh mún từng khu vực như cách làm trước đây do thiếu chiến lược phát triển đồng bộ.
Hạ tầng là yếu tố quan trọng cốt lõi cần ưu tiên hàng đầu. Xây nhà từ móng, phát triển một TP phải bắt đầu từ hạ tầng, tránh những bài học mà TP HCM hiện nay đang phải đối mặt như ngập nước, kẹt xe, quá tải và xuống cấp hạ tầng nghiêm trọng… TP sáng tạo và TP công nghệ không thể là TP suốt ngày sống trong kẹt xe và ngập nước. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng và cơm áo đời sống sẽ rất khó bật lên để trở thành TP sáng tạo, có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế.
Cần hiểu rõ các đặc trưng và tiềm năng của khu vực này để tìm ra được sự khác biệt giúp TP Thủ Đức ghi dấu ấn trong nước và quốc tế. Sáng tạo và công nghệ là những mục tiêu phát triển mà nhiều TP mới trên thế giới theo đuổi. Vậy điều gì là bản sắc riêng của TP sáng tạo Thủ Đức? Không thể và không nên gọi Thủ Đức là “Singapore” hay “Phố Đông Thượng Hải” của TP HCM. TP Thủ Đức cần là chính nó, tạo dựng vị thế mới mẻ và riêng biệt nhưng cũng đầy sức thu hút. Điều này chỉ có thể làm được khi hiểu rõ các tiềm năng (thiên nhiên, văn hóa, con người…) của khu vực này, từ đó xây dựng viễn cảnh phát triển trong tương lai của TP.
Đổi mới và tinh gọn bộ máy quản lý
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội TP Thủ Đức cần đi kèm với chiến lược phát triển không gian. Cần có bộ khung hướng dẫn thiết kế đô thị cho TP, xác định rõ các khu vực cao tầng, các khu vực điểm nhấn để kiến tạo hình ảnh, bộ mặt đặc trưng cho đô thị, đặc biệt là hình bóng đô thị (Silhouette/Skyline) mặt sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Khung hướng dẫn thiết kế đô thị cho TP cũng sẽ giúp các nhà đầu tư dễ dàng định hình quy mô và mức độ đầu tư tại các khu vực trung tâm của TP.
Quy hoạch TP mới cần dành chỗ cho các không gian công cộng (public space), đặc biệt là dải đất ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Những công viên cảnh quan dọc 2 bên bờ sông sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, thu hút người dân và khách du lịch, làm tăng gấp nhiều lần giá trị đất đai và sức thu hút đầu tư.
Xây dựng cho TP những quy chế đặc thù để xây dựng nguồn vốn và thu hút đầu tư. TP cần được tự chủ và tự quyết trong cả kế hoạch phát triển kinh tế, thu hút đầu tư lẫn quy hoạch không gian và phát triển hạ tầng. Để làm được như vậy, TP Thủ Đức cần có sự đổi mới và tinh gọn trong bộ máy quản lý lẫn quyền được quản lý – giúp đô thị này thực sự năng động để bật lên so với các khu vực khác.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển TP Thủ Đức, trước hết cần giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính cho các dự án bất động sản (BĐS) trong khu vực đã lập kế hoạch, đang chờ phê duyệt và được phê duyệt trước đó. Vì vậy, cần có bước rà soát và tích hợp các dự án đã, đang và sẽ triển khai trong khu vực, song song với bước lập quy hoạch cấu trúc chiến lược cho TP mới. Cùng thời điểm này, các dự án đang lập kế hoạch có thể tham khảo để tích hợp theo quy hoạch mới. Có như vậy mới bảo đảm các quy trình vẫn diễn ra hài hòa, không bị mâu thuẫn và kéo dài tiến độ xây dựng TP. Để làm được điều này, cần thành lập Hội đồng Quy hoạch và Thiết kế đô thị TP Thủ Đức, hoạt động chuyên môn độc lập để khách quan đánh giá, tích hợp và điều chỉnh các dự án BĐS với bản quy hoạch chung của TP. Hội đồng này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS để cùng đẩy nhanh các thủ tục hành chính cho các dự án sau khi tích hợp với bản quy hoạch chung.
Xây dựng công trình xanh
Việc thành lập TP sáng tạo Thủ Đức không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế ở khu vực TP HCM, mà còn là yếu tố kích thích phát triển thị trường và các sản phẩm BĐS tại khu vực này. Vì vậy, rất cần những sản phẩm BĐS có giá trị và phẩm chất phù hợp với những kỳ vọng và viễn cảnh tương lai của TP. Thành lập TP sáng tạo là cơ hội để triển khai áp dụng những chiến lược phát triển đô thị bền vững, những công nghệ thân thiện và bền vững với môi trường và cộng đồng. Xây dựng công trình xanh là một trong những chiến lược và công nghệ đó.
Cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 2
Cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 2 kéo dài đến ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: “Đô thị thông minh”; “Khởi nghiệp – thương hiệu của TP HCM”; “Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM”.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà); hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 2, gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích – mỗi giải 10 triệu đồng.