Tháng 7 âm lịch năm nay rơi đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương khiến thị trường BĐS trầm lắng. Song thống kê từ một số đơn vị cho thấy, lượng quan tâm tìm kiếm vẫn tăng cao.
Theo báo cáo thị trường tháng 8/2020 của batdongsan.com.vn cho thấy, bất chấp cao điểm tháng dịch Covid-19 bùng phát lần 2, nhu cầu tìm kiếm và quan tâm đến bất động sản vẫn duy trì ở mức cao, gần như không giảm nhiều so với các tháng phục hồi trước đó. Cụ thể, so với cao điểm tháng 7, nhu cầu tìm kiếm nhà đất cả nước trong tháng 8 có xu hướng tăng mạnh trở lại dù đang phòng tránh dịch và thị trường có phần yên ắng hơn vì tháng ngâu.
Cụ thể, tổng lượng quan tâm bất động sản tháng 8 tăng thêm 6%, tại Hà Nội, lượng tin rao bán nhà dù bị giảm 2% so với tháng trước, nhu cầu tìm kiếm nhà đất lại tăng đột biết lên đến 13%. Tương tự, tại TP.HCM do rơi vào tháng ngâu nên lượng sản phẩm nhà đất chào bán giảm gần 8% so với tháng trước, nhu cầu tìm mua lại tăng gần 6%.
Với các tỉnh thành khác, ngoại trừ Đà Nẵng ghi nhận mức giảm sâu, hầu hết mức độ quan tâm với thị trường nhà đất chỉ giảm khoảng từ 3 – 10%. Đây là dấu hiệu khá tích cực khi mà hầu hết các hoạt động kinh tế, du lịch, giải trí gần như chững lại vì tác động của dịch bệnh, các chủ đầu tư trì hoãn bán hàng và chuyển sang hình thức online.
Chia sẻ về tình hình nhu cầu nhà ở tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, không tính các thành thị đang tăng trưởng, chỉ tính riêng tại hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội, nhu cầu nhà ở đang rất lớn. Tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng dân số trung bình hiện là 2,2%, ở TP.HCM con số này là 2,3%. Mỗi năm Hà Nội cần phát triển ít nhất 67.333 đơn vị nhà ở có diện tích trung bình 70m2 và TP.HCM là 57.363 đơn vị.
Theo ước tính, phân khúc nhà ở cho các gia đình hạt nhân luôn tăng đều đặn khoảng 20% mỗi năm tại các thành phố có tốc độ đô thị hóa hàng đầu thế giới như TP.HCM, Hà Nội. Do đó, bất chấp dịch bệnh hay biến cố nào xảy ra với kinh tế vĩ mô, nhu cầu mua nhà để ở là không thay đổi.
Lượng quan tâm tìm kiếm vẫn tăng cao trong tháng cô hồn.
Theo giới chuyên gia, quy luật thị trường là dòng tiền vẫn phải chảy, nếu kênh bất động sản nghỉ dưỡng đang ngưng hoặc “ngủ đông” vẫn còn đó những phân khúc khác như: Đất nền, nhà ở, bất động sản thương mại công nghiệp và mảng cho thuê sẽ thu hút dòng tiền nếu nhìn ở trung, dài hạn.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giai đoạn này đang tạo cơ hội cho những người có nhu cầu thực. Mua nhà ở thời điểm này sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, ít cạnh tranh và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các chủ đầu tư dự án. Bên cạnh giá bán không bị đẩy lên cao, người mua còn dễ tiếp cận những sản phẩm nhà đất có chất lượng, vị trí đắc địa chào bán trên thị trường sơ cấp.
Mặt khác, giới chuyên môn nhận định với dòng sản phẩm cao cấp do những chủ đầu tư đã có thương hiệu triển khai, việc giảm giá lúc thị trường chậm lại là rất khó xảy ra. Ngoài ra, biến động khó lường của vàng và chứng khoán hiện nay khiến giới đầu tư sẽ càng đặt niềm tin vào bất động sản trong thời gian tới.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE Việt Nam cho rằng, định hướng chính sách điều hành kinh tế đã có những thay đổi lớn thời gian qua.
Khả năng chống dịch tốt của Việt Nam thể hiện qua hai làn sóng Covid-19 và ưu tiên phát triển kinh tế song hành với giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh đã tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, nỗ lực thúc đẩy đầu tư công vào hạ tầng sẽ tạo sự lan tỏa ra nhiều ngành kinh tế khác, trong đó có bất động sản.
Bà Thanh cho hay: “Với định hướng này, chúng tôi kỳ vọng bất động sản sẽ hưởng lợi và là kênh thu hút dòng tiền đầu tư trong giai đoạn cuối năm. Ngoài ra, từ cuối năm 2019 đến nửa đầu năm 2020, CBRE ghi nhận tốc độ tăng giá chào bán bất động sản có phần chững lại. Hiện có thể là cơ hội tốt để cân nhắc đầu tư vào bất động sản khi thị trường có các lựa chọn phù hợp về giá bán và chính sách thanh toán”.
Tuệ An