Đô thị đang phải đối mặt với những thử thách về môi trường lớn nhất từ trước đến nay. Trong 150 năm qua, đô thị với những hoạt động của nó đã làm thay đổi sự cân bằng của hành tinh.
Trong một cuộc tọa đàm về đô thị và biến đổi khí hậu (BĐKH) gần đây của các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã nêu rõ: Đô thị đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết vấn đề này, bởi thành phố có liên quan trực tiếp với BĐKH như bão, lượng mưa, lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt và các sự kiện thời tiết cực đoan khác. Vậy đô thị cần phải làm gì để thích ứng với BĐKH?
Hiện trạng đô thị ngày nay
Theo báo cáo mới đây của Chương trình dân số của LHQ, năm 1800 mới chỉ có khoảng 2% dân số thế giới sinh sống tại các đô thị, tới năm 1950, tỷ lệ này đạt mức khoảng 30%. Hiện nay, khoảng một nửa dân số của hành tinh là các thị dân và cứ sau mỗi ngày lại có thêm 180 nghìn người nhập cư vào các thành phố.
Đến năm 2050, số cư dân thành thị sẽ chiếm 2/3 trên tổng dân số toàn cầu và 80% GDP của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Cũng theo bản báo cáo này thì hiện 20% dân số thế giới đang sinh sống và làm việc tại 600 thành phố lớn nhất hành tinh với 60% GDP toàn cầu.
Đô thị đang phải đối mặt với những thử thách về môi trường lớn nhất từ trước đến nay. Trong 150 năm qua, đô thị với những hoạt động của nó đã làm thay đổi sự cân bằng của hành tinh. Người dân đô thị đã đốt cháy một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt; đồng thời nuôi một lượng lớn các loại động vật thải ra lượng lớn khí mê-tan; và chặt phá những cánh rừng rộng lớn, làm giảm sự hấp thu khí carbon dioxide từ không khí một cách tự nhiên. Bên cạnh đó là rất nhiều hoạt động khác của người dân dẫn đến tình trạng BĐKH.
Thích ứng để giảm thiểu rủi ro
Các đô thị cần áp dụng các biện pháp thích ứng để giảm thiểu rủi ro từ BĐKH. Ngoài thiệt hại về người, các sự kiện thời tiết cực đoan gây ra thiệt hại lớn cho tài sản và cơ sở hạ tầng, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn cho đô thị đó. Dự đoán mực nước biển dâng cho thế kỷ này có thể dao động giữa 18cm và 2m và các thành phố như Kolkata, Mumbai, Dhaka, Quảng Châu và TP.HCM nằm trong số các đô thị chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực dễ bị tổn thương cần được phân định theo mức độ rủi ro đối với những trận lũ lụt, hạn hán và những rủi ro thiên tai khác. Tiêu chí sử dụng đất và phát triển đô thị cần phải điều chỉnh ngay cho những khu vực trên.
Ảnh minh họa.
Điều này hiển nhiên các nhà quản lý đô thị và quy hoạch đô thị đã tính đến. Ví dụ, khu vực thường xuyên bị lụt cần phải quy hoạch theo hướng là đất dự trữ, bỏ trống hoặc dành cho khu công viên và các cơ sở sân chơi thể dục thể thao; cây cối và thảm thực vật cần được duy trì nhằm hấp thụ và ngăn chặn lượng nước dư thừa của đô thị. Nếu buộc phải xây dựng một công trình nào đó tạm thời trong khu vực này cần có quy định cấm sử dụng tầng trệt và cần xây dựng trên những hệ trụ cột.
Tăng cường năng lực
Việc tăng cường năng lực cho các nhà quy hoạch và đào tạo liên tục cho các nhà xây dựng và nhà thầu cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Quy hoạch thích ứng kết hợp với chiến lược thích ứng BĐKH ở các bộ, ngành trong đô thị cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Khu định cư đô thị đôi khi lại được xây dựng trong khu vực nguy hiểm và dễ bị tổn thương do thiếu quỹ đất. Việc ít có khả năng chi trả của người nghèo đô thị làm cho họ đứng trước nguy cơ rủi ro cao. Chính vì thế, các nhà quản lý đô thị lúc này phải đóng vai trò tiên quyết, đồng thời có những buổi thương thuyết để cho cộng đồng hiểu được vấn đề để tránh nguy cơ thiệt hại cao.
Hầu hết các biện pháp liên quan đến khu vực ven biển ở một số nước đã được tiến hành và đầu tư một cách thích đáng. Ví dụ, Ấn Độ đã tăng cường cho hệ thống đê ngòi ở sông và bờ kênh, xây dựng bức tường bảo vệ kiên cố, đầu tư xây dựng hệ thống cống ngầm, trạm bơm và đầu tư cho hệ thống kênh rạch, thoát nước… Chương trình này đã chứng minh hiệu quả trong việc bảo vệ trên 50% khu vực của nhiều thành phố thoát khỏi rủi ro nghiêm trọng từ các trận lũ lớn trong năm 1998 và 2004. Singapore cũng đầu tư phát triển vùng đệm và đầu tư trên nền đất mới cao hơn 2,25m so với mực thủy triều.
Đặc thù cho ngành Xây dựng
Các công trình xây dựng chiếm khoảng 1/3 năng lượng trên toàn thế giới trong suốt vòng đời của nó. Dân số tăng nhanh sẽ dẫn đến sự gia tăng xây dựng, kéo theo nhu cầu năng lượng lớn hơn. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cũng phải hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng để góp phần giảm tiêu thụ và giảm phát thải khí nhà kính.
Biện pháp giảm thiểu rõ ràng là rất quan trọng trong việc làm chậm tốc độ thay đổi của khí hậu và sẽ tiếp tục làm như vậy bằng mọi cách, bao gồm cả phương pháp ngắn hạn và trung hạn. Biện pháp thích ứng với BĐKH bao gồm một loạt các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể nhằm đối phó với nó.
Biện pháp thích ứng nhằm điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi khí hậu để hạn chế tối đa cho ngành Xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng, duy trì hệ sinh thái lành mạnh và các khu vực đô thị đáng sống. Điều quan trọng là các biện pháp thích ứng không đối nghịch với biện pháp giảm thiểu và ngược lại.
Việc xây dựng những quy chuẩn tiêu chuẩn thiết kế, kiểm soát việc thực thi quy hoạch và điều chỉnh, cải thiện các công trình xây dựng nhằm mục đích quản lý rủi ro cục bộ BĐKH. Các sửa đổi trong quy định, quy chuẩn nhằm hướng dẫn những nhà quản lý, kiến trúc sư, kỹ sư khi có thay đổi cần thiết trong thực tế. Những sửa đổi này thường là để đối phó với những vấn đề tự nhiên như lũ lụt, ngập lụt ven biển và thảm họa cháy rừng. Việc sửa đổi nhằm yêu cầu thiết kế phù hợp hơn để xây dựng lại những công trình đã bị tàn phá bởi sự cố như vậy.
Ở cấp độ quy hoạch, các chính sách thích ứng BĐKH thành công có thể tách biệt các rủi ro một cách có hiệu quả. Trận động đất năm 1906 ở San Francisco là một ví dụ, khi đó trận động đất khủng khiếp và vụ hỏa hoạn kéo theo dài 3 ngày đã hủy hoại cả thành phố, phá hủy 28 nghìn ngôi nhà.
Mức độ hủy hoại càng gia tăng do thành phố phụ thuộc vào hệ thống ống dẫn gas và nước vốn không chịu được động đất ở cấp độ lớn. Nếu đường ống gas bị vỡ, nguy cơ hỏa hoạn cao hơn, và nếu đường ống nước bị vỡ, sẽ không thể khống chế được ngọn lửa, dẫn tới đám cháy nhỏ cũng có thể biến thành hỏa hoạn. Trong trường hợp này, việc tách biệt tác động của 2 rủi ro này sẽ liên quan đến việc thiết kế và lắp đặt các đường ống có khả năng chống chịu tốt hơn động đất ở cấp độ cao.
Thiết kế cũng có tác động không nhỏ đến vấn đề này và cũng có khả năng giảm nhẹ các rủi ro. Ví dụ, mật độ thiết kế xây dựng cao có thể làm tăng nguy cơ đảo nhiệt đô thị và gia tăng ngập lụt đô thị. Trong khi đó, thiết kế công trình xanh có thể giúp cải thiện các vấn đề này một cách đáng kể, ví dụ như việc thu gom và lọc nước trên các tòa nhà cũng sẽ làm giảm dòng chảy khi có mưa lũ lớn trong đô thị.
Theo Khánh Phương/Báo Xây dựng