Chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao. Nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó, nhà đầu tư có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư, bao gồm cả gốc và lãi.
Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ trước thời hạn bị siết
Theo SSI Research, trong nửa đầu năm 2020, tổng lượng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp tăng 61,3% so với cùng kỳ, ở mức 171.500 tỷ đồng, bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong năm 2019. Trong đó, bất động sản và ngân hàng chiếm gần 70% tổng lượng phát hành.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 3 được chuyên gia SSI dự báo tiếp tục tăng nóng nhưng sẽ hạ nhiệt khi sang quý 4/2020.
Việc siết chặt quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp kể từ ngày 1/9/2020 theo Nghị định 81 khiến doanh nghiệp phải tăng tốc phát hành trái phiếu trước thời điểm này nhằm kịp huy động vốn.
Theo ghi nhận của Dân trí, thời gian qua, đa phần là các doanh nghiệp bất động sản đã chạy đua phát hành trái phiếu trị giá hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng, cùng với đó là mức lãi suất cao ngất ngưởng xuất hiện.
Trong đó, lãi suất “khủng” phải kể đến mức 18% mà Tập đoàn Apec đã thông qua với lô phát hành 30 triệu trái phiếu Happy18 Bond, kỳ hạn 5 năm cho nửa cuối năm 2020. Tổng giá trị phát hành dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng.
Về quy mô lớn phải kể tới Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Bitexco) với việc phát hành thành công 5 lô trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng, với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 7, Saigon Glory đã huy động 2.000 tỷ đồng và tháng 6 huy động 3.000 tỷ đồng trái phiếu. Như vậy công ty này đã huy động tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong vòng 3 tháng.
Một công ty khác cũng khiến giới đầu tư bàn tán xôn xao vừa qua đó là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ – doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là cắt tóc, làm đầu, gội đầu. Công ty này đã phát hành thành công lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đáo hạn vào năm 2030 với tổng khối lượng phát hành 738 tỷ đồng vào ngày 25/8/2020
Mặc dù mới tăng vốn điều lệ lên gấp 20 lần và huy động được một khoản tiền khổng lồ nhờ phát hành trái phiếu, thế nhưng không ít ý kiến bày tỏ lo ngại bởi thông tin doanh thu chỉ vài chục triệu đồng và đang thua lỗ của doanh nghiệp này.
Tiềm ẩn rủi ro, doanh nghiệp gặp khó, người mua có thể mất trắng
Theo chuyên gia SSI, mức tăng trưởng quá nóng giai đoạn gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự bền vững của thị trường.
“Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi cảnh báo với thị trường, lấy ý kiến thị trường và đã chính thức ban hành Nghị định 81 sửa đổi – một trong những tác nhân cơ bản dẫn đến sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn gần đây”, chuyên gia SSI cho biết.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm xuống thấp, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp do có lãi suất cao hơn. Các công ty chứng khoán, ngân hàng cũng đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên Bộ Tài chính cảnh báo, nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Vì nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, nhà đầu tư có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu, bao gồm cả gốc và lãi.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia Đinh Tuấn Minh cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tham gia thị trường trái phiếu. “Cũng như bất kỳ lĩnh vực nào khác, đầu tư không chỉ nhìn vào lãi suất cao. Cần có sự hiểu biết nhất định về doanh nghiệp mình mua trái phiếu”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng đặt vấn đề, nếu dự án kinh doanh có tính khả thi thì có thể vay tín dụng với mức lãi suất thấp hơn trong bối cảnh tín dụng dồi dào hiện nay.
“Nhiều doanh nghiệp dòng tiền thiếu hụt, khát vốn nên phải chấp nhận lãi suất cao để bù đắp. Có thể thấy, không có doanh nghiệp nào lựa chọn một kênh huy động vốn lãi suất cao, nếu họ còn lựa chọn khác khả dĩ hơn. Nhà đầu tư tham gia cuộc chơi là chấp nhận rủi ro để đổi lấy cơ hội nhận lãi suất cao”, ông Minh cho biết, nếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản thì vốn cũng được xác định có hệ số rủi ro cao.
Trước những biến động của thị trường trái phiếu, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư đừng chỉ chăm chăm nhìn vào mức lãi suất khủng.
Một chuyên gia đặt câu hỏi với những trái chủ mua trái phiếu đó, trừ ngân hàng ra thì có bao nhiêu trái chủ có thể phân tích được về mặt tín dụng với tiền gốc và lãi suất như mức doanh nghiệp đưa ra, liệu họ có khả năng thanh toán số tiền lãi đó cho mình hay không.
Trái chủ có thể không lấy lại được tiền họ bỏ ra nếu không cẩn thận nắm chắc được các nhà phát hành cùng khả năng trả nợ. Đây là rủi ro rất lớn nếu trái chủ không nghiên cứu kỹ.
Lời khuyên được một số chuyên gia đưa ra là các nhà đầu tư cần xem xét kỹ báo cáo tài chính của các công ty phát hành ít nhất là 3 năm liền kề và được kiểm toán độc lập; hoặc có thể thông qua công ty tài chính để tham vấn và giúp phân tích tín dụng của các nhà phát hành.
Theo dự báo của chuyên gia SSI, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng nóng trong tháng 7 và 8/2020. Sau khi Nghị định 81 có hiệu lực, khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ từ ngày 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn.
“Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn
hạn cho vay trung vào dài hạn, kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản”, chuyên gia SSI nhận định.
Nguyễn Mạnh